Lập lại trật tự vỉa hè để Hà Nội sạch đẹp, văn minh

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ, bảo đảm mỹ quan thành phố nhưng không triệt tiêu truyền thống khai thác giá trị của vỉa hè, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại là quan điểm của Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS), Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Thăng Long xưa có tên nôm là Kẻ Chợ. Phải chăng đây là nguồn gốc hình thành việc buôn bán trên vỉa hè Hà Nội ngày nay?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Thế kỷ 16 và 17, mối quan hệ giao thương với cả phương Đông và phương Tây phát triển rất mạnh, đã hình thành đô thị, thành phố buôn bán sầm uất dọc theo bờ sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu, hồ Tây và nơi đây được gọi là Kẻ Chợ. Kể ra để thấy việc kinh doanh, buôn bán trên phố phường, vỉa hè ở Thăng Long đã có từ rất sớm và rất tấp nập.

PV: Thời điểm đó cha ông ta đã quản lý vấn đề giao thông và giao thương trên phố phường, vỉa hè như thế nào, thưa ông?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Dù Thăng Long quy tụ người tứ xứ, nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống hành chính ở Thăng Long kết hợp với địa phương nguyên quán của họ. Việc buôn bán trên vỉa hè là đưa mô hình buôn bán rong, chạy chợ rong của nông thôn ra thành thị, nên việc quản lý những người này cũng rất... nông thôn. Họ có những quy định chặt chẽ trong lệ làng, hương ước, buộc các thành viên phải chịu trách nhiệm với cộng đồng làng mình tất cả những việc mình làm ở Thăng Long. Việc buôn bán ở vỉa hè xưa có tổ chức, giám sát và quản lý.

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: HOA LƯ

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: HOA LƯ

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng và quản lý vỉa hè hiện nay tại Hà Nội?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Người ta cứ nói do cơ chế thị trường, buôn bán tự do nên ai muốn làm gì thì làm trên vỉa hè. Nhiều người không biết từ đâu tới, tùy tiện bày bán hàng hóa và đổ rác trên hè phố theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Hè phố ở thời đại nào cũng là bộ mặt của đô thị, là thước đo trình độ văn hóa, văn minh của thành phố và của quốc gia. Thành phố Hà Nội đang quyết tâm rất cao đến năm 2030 phải đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại. Đây là định hướng rất rõ ràng, rất chuẩn xác. Bởi vậy, chúng ta phải giữ những gì được gọi là văn hiến-văn minh để tiến tới hiện đại. Chúng ta chỉ nên giữ những di sản văn hóa, văn hiến, văn minh của tổ tiên, cha ông để lại làm hành trang bước vào cuộc sống hiện đại chứ không nhất thiết phải giữ tất cả những gì thuộc về quá khứ. Chuyện buôn bán tự do trên vỉa hè có thể phổ biến của thời kỳ đầu mới chuyển từ làng lên phố và vẫn còn phù hợp ở mức độ nhất định trong giai đoạn đô thị đang chuyển dần từ truyền thống sang hiện đại, nhưng hiện nay nó không còn là đại diện cho văn hóa Thủ đô.

Đó là chưa nói có nhiều nhà, nhiều người còn tùy tiện xả rác thải, vứt xác động vật và đổ thức ăn ôi thiu ra vỉa hè. Phải chăng họ cho rằng trách nhiệm thu gom những thứ này thuộc về công ty môi trường đô thị... Tôi bất giác nhớ lại câu hát: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử/ Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân...”. Tôi nhớ hồi đó ta còn nghèo, khổ lắm, mà tại sao Thủ đô vẫn giữ được đường phố sạch đẹp, phơi phới tự hào đến thế?

PV: Như vậy là ông không nhất trí với việc buôn bán tự do trên vỉa hè Thủ đô hiện nay?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Tôi cho rằng, chúng ta cần tính tới việc cho thuê vỉa hè và gắn trách nhiệm của người thuê vào việc quản lý, bảo vệ vỉa hè. Tuy nhiên, chúng ta cần tính toán thật kỹ việc cho thuê để làm gì (trên nguyên tắc vẫn phải giữ đường thông hè thoáng, không làm mất mỹ quan thành phố), thuê ở thời điểm nào, ai được thuê, ai chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát... Quản lý đô thị trên nguyên tắc là quản lý công dân, phải quản lý bằng luật pháp của Nhà nước. Nếu luật Nhà nước chưa bao quát hết thì cần quy định của thành phố, quận, phường. Hoạt động của cá nhân hay của nhóm lợi ích không phù hợp trên vỉa hè, trái ngược với các quy định thì chúng ta phải kiên quyết loại bỏ. Ngược lại, những hoạt động truyền thống, vẫn còn phù hợp trên vỉa hè thì cần giữ lại, nhưng phải có cách quản lý chặt chẽ, cụ thể và hiệu quả.

Người dân dạo bước trên hè phố Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: PHẠM HƯNG

Người dân dạo bước trên hè phố Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: PHẠM HƯNG

PV: Vậy kinh nghiệm quản lý vỉa hè của các nước tiên tiến ra sao mà Hà Nội có thể học tập, thưa ông?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Ở các nước phương Tây, người ta vẫn cho phép buôn bán ở mặt phố, vỉa hè nhưng đều có quy định rõ ràng. Tôi nhớ ngày học tập và làm việc ở Hà Lan, cứ đến thứ bảy là người dân được thoải mái bày bán hàng hóa trên vỉa hè, khu trung tâm thành phố trở thành “chợ trời” khổng lồ. Ngày thường, nếu muốn buôn bán thì phải đăng ký chủng loại hàng hóa, có giờ và địa điểm chuẩn xác, chứ không phải thích bán cái gì, lúc nào và ở đâu thì tùy ý. Điều đặc biệt, người kinh doanh cửa hàng không được phép bày đồ, vật dụng, xe hàng ra vỉa hè cản trở người đi bộ.

Cần nói thêm, gánh hàng rong là nét văn hóa khá đặc trưng của Thăng Long-Hà Nội cổ truyền. Bây giờ chúng ta vẫn có thể giữ gánh hàng rong, song phải có quy định cụ thể, thời điểm nào, lúc nào chứ không phải buôn bán thoải mái. Tôi từng chứng kiến việc bán hàng rong trên đường phố Tokyo (Nhật Bản). Nhưng ở đó, họ quy định hàng rong chỉ được bán vào ban đêm và không phải phố nào cũng được phép mang hàng đến bán.

PV: Theo ông, Hà Nội cần làm gì trong chiến dịch "giành lại vỉa hè" để tránh tình trạng khi lực lượng chức năng rút đi là mọi thứ đâu lại vào đấy?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Muốn giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì trước hết mỗi người dân phải có trách nhiệm với đô thị mình sinh sống. Chúng ta phải thống nhất với nhau: “Hà Nội phải trở thành đô thị văn hiến-văn minh-hiện đại”. Nhiều người đang lợi dụng dân chủ, lợi dụng nhu cầu đời thường để thỏa sức “vùng vẫy” trên vỉa hè. Việc kết hợp để mưu sinh trên vỉa hè có thể vẫn có, nhưng phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về thời gian, địa điểm, các hoạt động cụ thể. Chúng ta hoàn toàn có thể quy định mỗi quận, phường dành ra một quỹ đất trống để đưa những gánh hàng rong đến buôn bán và thu phí nộp ngân sách. Tôi thấy nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đều có chợ kiểu này.

Muốn giành lại vỉa hè, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc ban hành các quy định cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tất cả người dân sinh sống và làm việc ở Thủ đô phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của Nhà nước cùng các quy định của thành phố, quận, phường, để thực sự trở thành những thị dân văn minh, thanh lịch.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lap-lai-trat-tu-via-he-de-ha-noi-sach-dep-van-minh-720059