Lập thân, lập nghiệp trên đất quê hương

Với khát vọng lập thân, lập nghiệp chính trên quê hương mình, nhiều đoàn viên thanh niên đã dốc sức trẻ, sự năng động và sáng tạo để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu. Mỗi người có một cách phát triển kinh tế khác nhau nhưng ở họ đều có chung sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó và bước đầu đã đạt được thành công nhất định.

Khởi nghiệp nuôi gà... với 950.000 đồng

Bây giờ, sau hơn 2 năm đã xây dựng được trang trại chăn nuôi gà với quy mô 1.700 con/ lứa (3 lứa/năm) ngay tại quê nhà Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Được (26 tuổi) vẫn cảm thấy chưa hết bỡ ngỡ với thành quả bước đầu của mình. Được học đến lớp 6 thì mồ côi cha. Mẹ Được tần tảo làm nghề đậu phụ nuôi Được và em gái ăn học trong khó nhọc. Được cho biết, gia đình mình là hộ nghèo, cận nghèo suốt từ năm 2000 đến năm 2013 mới ra khỏi diện hộ nghèo. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng mẹ Được luôn nỗ lực để hai con ăn học đàng hoàng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế ra trường vào năm 2016, Được xin vào làm ở một công ty thức ăn gia súc ở Bình Định.

 Mô hình nuôi gà của đoàn viên Nguyễn Thành Được ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Ảnh: Đ.V

Mô hình nuôi gà của đoàn viên Nguyễn Thành Được ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Ảnh: Đ.V

Được cho biết: “Từ năm 2014, trong quá trình học đại học, tôi đã đi phụ quán nhậu để trang trải việc học. Dư được 950.000 đồng, tôi về nhà mua 40 con gà quây chuồng nuôi. Đây cũng như là cách để kiếm thêm tiền học phí vừa là để thử nghiệm ban đầu cho dự định xây dựng mô hình nuôi gà sau này”. Sau một thời gian gầy đàn gà lên được 200 con thì Được giao lại cho mẹ chăm sóc để vào Bình Định làm kỹ sư chăn nuôi. Đến tháng 3/2018, sau khi tích lũy được một số vốn, dù có mức thu nhập tại công ty từ 14-15 triệu đồng/tháng nhưng Được lại quyết định trở về quê để thực hiện giấc mơ xây dựng trang trại nuôi gà. “Với kiến thức, kinh nghiệm quý báu học được trong quá trình làm kỹ sư chăn nuôi, tôi tự tin sẽ làm trang trại thành công”, Được nói.

Tận dụng mảnh đất vườn gia đình, Được xây dựng 2 khu chuồng trại và tăng dần số lượng đàn gà. Ngoài ra, anh còn nuôi 10 con lợn thịt, đầu tư thêm lợn nái giống sinh sản để chủ động con giống. Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi, kỹ thuật phòng, điều trị bệnh mà vật nuôi đã hạn chế tối đa dịch bệnh, phát triển đồng đều. Đặc biệt, với nguồn thức ăn được chế biến theo cách riêng của mình mà gà thành phẩm của anh dần đã tạo được thương hiệu trong vùng, được khách hàng tin dùng. Hiện gà thành phẩm của Được có khoảng 10 đầu mối trong và ngoài tỉnh tiêu thụ ổn định với số lượng lớn. “Đầu ra thì tôi cũng không lo. Ngoài bán lẻ, tôi cũng đã kết nối với một công ty ở miền Nam để bao tiêu đầu ra nếu sắp tới đầu tư mở rộng trang trại”, Được nói.

Ngoài nuôi gà, lợn, hiện nay Được đang làm đại lý thức ăn chăn nuôi với mức tiêu thụ 3-5 tấn/tháng. Đặc biệt, năm 2019 dù dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại nặng cho chăn nuôi lợn nói chung nhưng đàn lợn của Được may mắn thoát dịch bệnh. Với 2 tấn lợn thương phẩm bán ra, anh có lãi gần 150 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn thu từ gà. “Hiện nay tôi đang tìm mua đất ở vùng gò đồi Hải Chánh để mở trang trại có quy mô lớn hơn. Tôi cũng mong muốn được hỗ trợ tiếp cận thêm nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư làm ăn. Mục tiêu trong năm 2020 của tôi là xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 3.000 gà/ lứa, nuôi 10 lợn nái để tăng đàn lợn, mở một địa điểm bán và giới thiệu sản phẩm gà sạch tại khu vực chợ Mỹ Chánh”, Được chia sẻ thêm.

Bí thư Xã đoàn Hải Chánh Nguyễn Văn Nhi nhận xét: “Được là đoàn viên tiêu biểu về ý chí vươn lên trong cuộc sống và lập thân, lập nghiệp, xứng đáng để nhiều bạn trẻ học hỏi. Chúng tôi cũng mong muốn mô hình của Được nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vốn vay để mở rộng đầu tư làm ăn trong thời gian tới”.

“Hạt nhân” của Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế

Ngay từ khi được thành lập vào năm 2019, Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong có 11 thành viên. Đến đầu năm 2020, có thêm 4 thành viên tham gia. Điển hình trong CLB là mô hình kinh tế của anh Phan Quốc Tế ở thôn Hà My. Chăm chỉ trong làm ăn, mạnh dạn tìm hướng đi mới nên xưởng cơ khí của anh Tế là địa chỉ tin cậy để nhiều nơi đặt hàng, nhất là sân chơi trẻ em từ các vật liệu tái chế. Xưởng của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 đoàn viên trong huyện, với mức tiền công 9 triệu đồng/tháng/ người. Ngoài ra, anh Tế còn phát triển ngành nghề dịch vụ cưới hỏi và vận tải. Từ xường cơ khí và dịch vụ cưới hỏi, vận tải của mình, đến nay mỗi năm gia đình anh Tế có thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Anh Tế chia sẻ: “Trước đây tôi tự mày mò làm ăn, mọi thứ đều tự học hỏi rồi tích lũy kinh nghiệm dần nên ít nhiều cũng gặp khó khăn. Bởi vậy khi tham gia vào CLB này, tôi mong muốn được chia sẻ, hỗ trợ thêm kiến thức về làm kinh tế cho những bạn có nhu cầu. Ngoài ra, vào CLB mọi người có thể tương trợ lẫn nhau trong việc kết nối vay vốn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giúp nhau trong cuộc sống”.

 Anh Phan Quốc Tế, một trong những thanh niên tích cực và thành công trong phát triển kinh tế ở thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Ảnh: Đ.V

Anh Phan Quốc Tế, một trong những thanh niên tích cực và thành công trong phát triển kinh tế ở thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Ảnh: Đ.V

Hiện nay trên địa bàn huyện Triệu Phong có 3 CLB Thanh niên phát triển kinh tế ở các xã Triệu Hòa, Triệu Trạch, Triệu Lăng. Các CLB này đã thu hút ngày càng đông đảo thanh niên khu vực nông thôn tham gia phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Các mô hình kinh tế trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... do thanh niên làm chủ đã phát huy sức trẻ và làm giàu chính đáng trên quê hương. Trong khi nguồn vốn còn eo hẹp, đoàn viên đã hỗ trợ công sức, kiến thức và kinh nghiệm để giúp nhau cùng lập thân, lập nghiệp.

Phó Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong Phan Thị Hoàng Yến cho hay, các địa bàn khu dân cư, đoàn viên khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Vì vậy thông qua mô hình CLB này đã tạo được hiệu quả trong việc tập trung đoàn viên tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm, có thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn, hội. Các cơ sở đoàn là nhịp cầu nối để các thành viên trong CLB được hỗ trợ vốn vay, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương. Lợi ích chính đáng của thanh niên chính là sợi dây để kết nối và tập hợp thanh niên, nhất là tại các địa bàn nông thôn và miền núi. “Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các đoàn viên thanh niên của các CLB đã xây dựng các mô hình kinh tế, mua sắm trang thiết bị, đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, vận tải để làm ăn. Tuy nguồn vốn giải ngân chưa nhiều nhưng các thành viên tiếp cận vốn vay, được hỗ trợ kiến thức, ngày công, kinh nghiệm đã yên tâm làm ăn và nhiều mô hình bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế đáng mừng. Mong rằng từ những CLB như thế này sẽ đồng hành hiệu quả với thanh niên lập thân, lập nghiệp với mục tiêu “ly nông bất ly hương”, khẳng định được khả năng của tuổi trẻ vươn lên làm giàu chính đáng”, Phó Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong Phan Thị Hoàng Yến đánh giá.

Khát vọng của chàng trai tuổi 22

Ít ai ngờ được rằng ở tuổi 22, chàng trai trẻ Lê Văn Hùng ở thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã là trụ cột kinh tế của gia đình. Mồ côi mẹ từ nhỏ và bố cũng thường xuyên đau ốm nên học chưa hết THPT, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Hùng nghỉ học, tập trung lao động, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, 18 tuổi Hùng đã lập gia đình và đến nay vợ chồng anh đã có 2 con nên cuộc sống cũng khá vất vả. Gia đình có sẵn một số diện tích đất khá lớn trên vùng gò đồi nên những năm trước bố con anh đã ra sức khai phá, cải tạo để trồng cao su. Ngoài 5 ha cao su hiện nay đã cho khai thác, anh còn sở hữu 2 ha tràm. Trong khu trang trại cao su của mình, Hùng còn tận dụng cây cỏ, phụ phẩm nông nghiệp để nuôi đàn dê 8 con, đàn bò 12 con. Đặc biệt, mới đây anh còn đi tham quan học hỏi mô hình nuôi thỏ trong tỉnh rồi triển khai mô hình nuôi thỏ tại gia đình. Hiện đàn thỏ mới nuôi vài tháng đã gầy được gần 50 con. Từ nhiều năm nay, Hùng ngày ngày miệt mài lao động, hết cạo mủ cao su đến chăm đàn dê, bò rồi bây giờ thêm cả đàn thỏ nữa cũng đã chiếm hết thời gian.

 Với ý chí, quyết tâm làm ăn, chàng trai trẻ Lê Văn Hùng ở thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã có những thành quả bước đầu. Ảnh: Đ.V

Với ý chí, quyết tâm làm ăn, chàng trai trẻ Lê Văn Hùng ở thôn Bến Hải, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã có những thành quả bước đầu. Ảnh: Đ.V

Hùng tâm sự: “Tôi phải cố gắng hết sức để làm việc thôi. Bố tôi giờ hay đau ốm, sức khỏe không đảm bảo, nhiều phần việc nặng nhọc tôi phải cố gắng gánh vác. Vợ thì bận bịu con nhỏ nên cũng không giúp đỡ được nhiều. Tuy nhiên, vượt qua nhiều khó khăn, hiện nay từ vườn cao su cũng như một số vật nuôi mà gia đình tôi đã có nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Hy vọng thời gian tới kinh tế gia đình sẽ khá hơn”.

Ngoài việc cần cù, chăm chỉ phát triển kinh tế, mấy năm qua Lê Văn Hùng còn đảm nhận chức Bí thư Chi đoàn thôn. Với sự năng động, bản thân là đoàn viên trẻ chí thú làm ăn nên tấm gương của Hùng đã tạo được động lực cho rất nhiều đoàn viên trẻ ở địa phương học tập, hiện thực hóa giấc mơ về lập thân, lập nghiệp. Bí thư Xã đoàn Trung Sơn Tạ Quang Lực đánh giá cao quyết tâm, ý chí của Bí thư Chi đoàn Lê Văn Hùng trong làm ăn cũng như năng lực trong công việc. “Xã đoàn mong cấp trên quan tâm, xem xét nhu cầu vay vốn ưu đãi của Hùng để giúp anh xây dựng, mở rộng chuồng trại nuôi thỏ trong thời gian tới. Về phía xã đoàn sẽ hết sức giúp đỡ, động viên để Hùng yên tâm làm ăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bí thư chi đoàn tại địa phương”, anh Tạ Quang Lực đề xuất thêm.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147270