Lật tẩy chuyện Đức quốc xã sử dụng ma túy khi ra trận

Trong cuốn sách Der Totale Rausch, tác giả Norman Ohler đã tiết lộ bí mật động trời về việc Đức quốc xã sử dụng ma túy đá khi ra trận.

Sau nhiều năm nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu của Mỹ và Đức, tác giả người Đức Norman Ohler đã viết cuốn sách "In Der Totale Rausch " hé lộ bí mật kinh hoàng là Đức quốc xã sử dụng ma túy đá có tên Pervitin trong Chiến tranh thế giới 2.

Theo tiết lộ của tác giả Ohler, nhiều người trong chính quyền Đức quốc xã sử dụng loại ma túy đá trên từ binh sĩ phát xít Đức cho đến các quan chức cấp cao và có thể là cả trùm phát xít Hitler.

Pervitin là một hợp chất có chứa methamphetamine do phát xít Đức sản xuất năm 1937 và được sử dụng rộng rãi từ năm 1938. Loại ma túy đá này được quảng cáo là loại thuốc "kỳ diệu" giúp cho người sử dụng luôn tỉnh táo, hưng phấn, chống trầm cảm và nhiều tác dụng khác.

Trước khi đem ra sử dụng rộng rãi trong quân đội Đức, bác sĩ quân y Otto Ranke đã đem loại ma túy đá trên thử nghiệm trên 90 sinh viên đại học. Kết quả thử nghiệm vô cùng khả quan nên được kỳ vọng là một khi binh sĩ Wehrmacht của Đức sử dụng nó sẽ giúp quân đội Hitler giành chiến thắng trong các trận chiến.

Theo đó, binh lính phát xít Đức được cho sử dụng Pervitin để luôn tỉnh táo và có thể hành quân nhiều cây số mà không mệt mỏi cũng như nghỉ ngơi.

Tháng 4/1940, một văn bản được gọi là "Nghị định chất kích thích" được Đức quốc xã ban hành. Nhờ vậy mà hơn 35 triệu viên Pervitin và Isophan (phiên bản có sự điều chỉnh nhỏ do công ty dược Knoll sản xuất) đã được chuyển ra tiền tuyến, nơi chúng trở thành thuốc tăng lực của quân đội phát xít Đức trong cuộc xâm lược chớp nhoáng vào Pháp thông qua vùng núi Ardennes.

Với việc sử dụng loại ma túy đá trên, chỉ trong vòng 4 ngày, binh lính phát xít Đức đã chiếm được nhiều lãnh thổ Pháp hơn quân đội Đức làm được trong 4 năm của Chiến tranh thế giới 1.

Hitler cũng như nhiều quan chức khác trong chính quyền Đức quốc xã đã sử dụng một số loại thuốc, bao gồm chất kích thích, thuốc an thần và thuốc phiện.

Tâm Anh (theo History)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/lat-tay-chuyen-duc-quoc-xa-su-dung-ma-tuy-khi-ra-tran-795966.html