Lật tẩy những kẻ buôn người sau gần 6 năm phạm tội

Những tưởng việc đưa đi đường vòng từ Cao Bằng sang Hà Giang rồi mới qua Trung Quốc sẽ khiến nạn nhân không biết lối về và có thể xóa dấu vết tìm kiếm của người nhà, tuy nhiên, sau những nỗ lực 'mò kim đáy bể', các trinh sát trong Ban Chuyên án A1-1223.p đã tìm ra những kẻ buôn người. Mặc dù có kẻ đang lẩn trốn, kẻ tạm thời phải thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng chắc chắn, pháp luật sẽ không dung thứ cho tội ác mua bán phụ nữ và trẻ em.

Đồn Công an Biên Cảnh trao trả Thào Thị S và con trai qua cửa khẩu Săm Pun. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đồn Công an Biên Cảnh trao trả Thào Thị S và con trai qua cửa khẩu Săm Pun. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đầu tháng 11/2023, qua công tác nắm tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc, trinh sát Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Bắc (Đoàn 1), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP nắm được thông tin từ anh Hoàng Văn X (thị trấn Pắc Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), có vợ là Thào Thị S (sinh năm 1998, dân tộc Mông) cùng con trai là Hoàng Văn T (sinh năm 2016) bị các đối tượng trên địa bàn huyện Bảo Lâm bán sang Trung Quốc.

Anh Hoàng Văn X cho biết, năm 2017, trong một lần cãi nhau, vợ anh mang theo con trai bỏ đi đâu không rõ. 2 năm sau, hàng xóm nói gặp vợ anh ở huyện Phú Ninh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và nhắn là bị 3 người Mông ở huyện Bảo Lâm bán và ép kết hôn với người Trung Quốc. Để có cơ sở điều tra và truy bắt kẻ buôn người, Đoàn 1 đã phối hợp với Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Giang và Cao Bằng xác lập Chuyên án A1-1223p.

Từ những thông tin ít ỏi do anh Hoàng Văn X cung cấp, các trinh sát xác minh những thông tin liên quan đến chị Thào Thị S cùng con trai, từ đó, tham mưu, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang trao đổi Hàm thư đề nghị Đồn Công an Biên Cảnh (trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) xác minh thông tin liên quan đến các nạn nhân trong Chuyên án A1-1223p. Sau đó, Đồn Công an Biên Cảnh đã trả lời với nội dung: Người phụ nữ tên Thào Thị S có tên Trung Quốc là Thào Thị Lợi, đang cư trú tại tổ Cán Tào Tự, thôn Kim Trúc Bình, trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngày 8/4/2019, Đồn Công an Biên Cảnh đã mở cuộc điều tra về “vụ bắt cóc và buôn bán hai mẹ con Thào Thị S”. Ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh đã kết án 3 người đàn ông Trung Quốc là Thào A Bảo, Chung Đức Sơn và Trương Ngọc Hưng vì tội mua bán Thào Thị S với giá 40.000 nhân dân tệ.

Ngày 20/12/2023, Đồn Công an Biên Cảnh trao trả Thào Thị S qua cửa khẩu Săm Pun (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ban Chuyên án A1-1223p đã cử cán bộ làm việc với Thào Thị S và câu chuyện dần được sáng tỏ. Thào Thị S cho biết, mình quen một người phụ nữ là Hoàng Thị De (sinh năm 1987, dân tộc Mông, sống tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Khi thấy S và chồng cãi nhau, Hoàng Thị De đã rủ S sang Trung Quốc và nói rằng, cuộc sống bên đó tốt hơn, đàn ông rất yêu vợ con. Sau đó, một người đàn ông tên Lý Văn Bình chở S và con trai S từ huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) sang huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Người đàn ông tên Lý Văn Tương (là người cùng xã với De) đưa hai mẹ con S từ Mèo Vạc sang Trung Quốc chuyển giao và nhận tiền của đối tượng người Trung Quốc.

Thiếu tá Phạm Hồng Thái (nguyên Đội trưởng Đội Phòng, chống mua bán người, Đoàn 1) cho biết: Chuyện xảy ra đã gần 6 năm, nạn nhân, đối tượng là người dân tộc thiểu số, giấy tờ không đầy đủ, thế nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh. Phải mất 2 tháng sau, lực lượng đấu tranh chuyên án mới làm rõ được 2 đối tượng nghi vấn gồm: Hoàng Thị De, sinh năm 1987, hộ khẩu tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (De từng đi làm thuê ở các tỉnh Bình Dương, Phú Thọ, Hà Giang), sinh sống như vợ chồng với một người đàn ông dân tộc Mông (quen nhau trong quá trình đi làm thuê), quê ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Tháng 2/2024, De theo người đàn ông này về quê và sinh con. Hoàng Thị De cũng cho biết, tham gia đưa Thào Thị S và con trai sang Trung Quốc còn có Lý Văn Tương (sinh năm 1994, cùng ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm). Tuy nhiên, Tương đi Trung Quốc từ năm 2019 đến nay chưa về. Lý Văn Bình, sinh năm 1997, là người cùng xã với Hoàng Thị De. Tuy nhiên, hiện tại, đối tượng Bình đang chấp hành án phạt tù 7 năm tại Trại giam Ngọc Ly (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội giao cấu với trẻ vị thành niên.

Thào Thị S cho biết thêm, khi sang tới Trung Quốc, bản thân S bị giao cho Thào A Bảo. Sau đó, Thào A Bảo và bạn mình là Trương Ngọc Hưng đã bán S cho ông Chung Đức Sơn để làm vợ của con trai ông là Chung Ngọc Phát. Thế nhưng Thào Thị S không có tình cảm với Chung Ngọc Phát mà có tình cảm với một người đàn ông khác sống cách đó không xa. Chung Ngọc Phát viết đơn kiện ra chính quyền vì “gia đình bỏ tiền ra mua nhưng Thào Thị S lại muốn làm vợ người khác”. Và đó là lý do Đồn Công an Biên Cảnh đã điều tra như trong Hàm thư trả lời Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang ngày 19/12/2023.

Như vậy, thành công của Chuyên án A1-1223p là đã giải cứu được 2 nạn nhân; xác minh nơi ở, nơi lẩn trốn của các đối tượng phạm tội; xác định được phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người của nhóm đối tượng. Tuy nhiên, đối tượng Lý Văn Bình hiện đang là phạm nhân chấp hành án phạt tù; Hoàng Thị De đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên không áp dụng được biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ); Lý Văn Tương đang lẩn trốn bên Trung Quốc nên chưa lấy lời khai để làm rõ và chứng minh được mục đích nhận tiền từ việc chuyển giao nạn nhân cho các đối tượng người Trung Quốc.

Ngày 27/2/2024, Đoàn 1 đã tham mưu, phối hợp với BĐBP Cao Bằng trao đổi, thông báo bằng văn bản với Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Cao Bằng) nắm, tiếp nhận thông tin, tài liệu về đối tượng và nạn nhân trong Chuyên án A1-1223p để tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lat-tay-nhung-ke-buon-nguoi-sau-gan-6-nam-pham-toi-post481187.html