Lễ cầu mùa của người Pà Thẻn

BHG - Người Pà Thẻn là 1 trong 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở Việt Nam. Tại Hà Giang, người Pà Thẻn có hơn 6 nghìn người, đứng thứ 9 trong cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc khác thường gọi người Pà Thẻn là Mèo Lài, Mèo Hoa hoặc Mèo Đỏ. Người Pà Thẻn hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, được thể hiện trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, Lễ cầu mùa là một trong những nét văn hóa truyền thống gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng độc đáo của cộng đồng người Pà Thẻn, được hình thành từ lâu đời, tiếp tục được duy trì và trao truyền cho thế hệ sau.

Giã bánh dầy để dâng lên tổ tiên trong lễ cúng.

Giã bánh dầy để dâng lên tổ tiên trong lễ cúng.

Lễ cầu mùa của người Pà Thẻn ra đời từ rất sớm, có lịch sử hình thành cùng với sự hình thành và tồn tại của dân tộc, quá trình lập nên các thôn bản, lễ cúng mong muốn cầu thần linh ban phát giống tốt, che chở, bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi và đặc biệt cho dân làng có cuộc sống ấm no. Đây là lễ thức gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của người Pà Thẻn được tổ chức ở nhiều thôn, bản trong xã thuộc huyện Bắc Quang. Trải qua hàng trăm năm, tục lệ này vẫn được cộng đồng người Pà Thẻn duy trì cho đến ngày nay, nhằm cầu cho làng bản bình yên, gia đình ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, ôn lại cho lớp cháu con lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Giá trị cốt yếu trong cộng đồng đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt của di sản cũng như văn hóa tín ngưỡng của người Pà Thẻn. Nghi lễ vẫn giữ được phương diện nguyên thủy của nó, là hình thức biểu thị quan hệ giữa con người với thần linh và với môi trường tự nhiên. Thông qua nghi thức cúng bái, những hành vi, động tác trong nghi lễ biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với thần linh đã cho giống tốt để phục vụ sản xuất, phản ánh quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của người Pà Thẻn cũng như những ước mơ chính đáng của con người trong cuộc sống.

Thời gian diễn ra lễ cúng thường vào ngày Dần trong tháng 10 Âm lịch tại các gia đình có điều kiện tổ chức cầu cúng xin giống các vị thần linh, tổ tiên. Thầy cúng là người đại diện cho gia chủ giao tiếp với thần linh, tổ tiên để thực hiện các nghi thức xin giống. Trong các nghi thức, nghi lễ cúng tính thiêng được đề cao, mọi người tham gia hành lễ luôn tuân thủ chấp hành. Lễ cúng được diễn ra trong 3 ngày 2 đêm, trong đó vai trò người thầy cúng là đại diện cho gia chủ giao tiếp với thần linh. Kết thúc nghi lễ, gia đình và người dân trong cộng đồng thụ hưởng các lễ vật ai cũng vui vẻ vì đã được tổ tiên, thần linh che chở, bảo vệ và ban cho các loại giống tốt phục vụ sản xuất.

Lễ vật dâng cúng (hiến tế) thường được gia đình chọn giống và tự nuôi, chọn lợn đực khỏe mạnh, lông màu đen tuyền, 4 chân vững chãi, thân hình cân đối, phàm ăn nuôi trong khoảng 1 - 3 năm. Đối với gà: Gà trống phải khỏe mạnh, màu đỏ, chân to, tự nuôi.

Nghi lễ thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vật nuôi mau lớn, mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ, ngô lúa đầy bồ suốt năm, gia đình được vạn sự bình an khỏe mạnh, không ốm đau, mọi vật sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng. Đây là dịp để cho toàn thể dân làng tạ ơn trời đất, thần linh trong năm đã cho một mùa vụ tươi tốt, mang lại sự ấm áp, may mắn. Đó cũng là cơ sở tâm linh để củng cố niềm tin, tạo mối liên hệ thiêng liêng giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa con người với con người, với thần linh... Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cùng gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, thưởng thức các làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình.

Với những giá trị văn hóa vô cùng ý nghĩa, năm 2024, Lễ cầu mùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, người Pà Thẻn nói riêng, góp phần phổ biến, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống để tạo sự lan tỏa, ý thức bảo vệ gìn giữ di sản trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Ng. Lượng – Phương An (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202408/le-cau-mua-cua-nguoi-pa-then-7ed0085/