Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên: Gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống

Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên vào ngày 26-10 hằng năm, không chỉ là sự kiện văn hóa quan trọng, mà còn khẳng định việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Đây cũng là dịp để tôn vinh những người thợ tài hoa; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn kết làng nghề với du lịch, nâng cao đời sống người dân.

Nhiều hoạt động mới, hấp dẫn

Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên năm 2024 diễn ra từ ngày 24 đến 27 tháng 10, không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống, mà còn là một cầu nối quan trọng, giúp quảng bá, kết nối sản phẩm của làng nghề với thị trường trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ lễ hội, triển lãm quảng bá và kết nối sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và thủ công mỹ nghệ của làng nghề huyện Phú Xuyên thu hút khoảng 150 gian hàng.

Các sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Ảnh: Sơn Tùng

Các sản phẩm khảm trai Chuyên Mỹ đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Ảnh: Sơn Tùng

Các hoạt động quảng bá trực tuyến, như livestream trên các nền tảng mạng xã hội cũng được đẩy mạnh dịp này, giúp sản phẩm làng nghề Phú Xuyên tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên là dịp để vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn, trong đó có các nghệ nhân nặn tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực. Ảnh: ST

Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên là dịp để vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn, trong đó có các nghệ nhân nặn tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực. Ảnh: ST

Dịp này, huyện Phú Xuyên cũng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, như công bố và trao quyết định của UBND thành phố về công nhận điểm du lịch làng nghề xã Phú Túc; công nhận các làng nghề truyền thống và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2024. Đặc biệt, cuộc đấu giá sản phẩm làng nghề và cây cảnh bonsai thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách và người dân.

Toàn huyện hiện có 474 công ty; 8 tổ chức, quỹ tín dụng; 5 hội, câu lạc bộ hoạt động về sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề và số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện là 25.400 hộ, chiếm 39%. Huyện đã có 4 nhãn hiệu tập thể làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 12% (lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 7-7,5%/năm); thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 78 triệu đồng/người/năm.

Thương hiệu đặc biệt của huyện Phú Xuyên

Trước thềm Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên năm 2024, không khí chuẩn bị tại các xã đang diễn ra sôi nổi và đầy hào hứng. Các làng nghề nổi tiếng, như da giày Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, cỏ tế Phú Túc đều tích cực tham gia và đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm truyền thống.

Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Sơn Tùng

Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Sơn Tùng

Tại xã Phú Túc, nơi có làng nghề hơn 300 năm tuổi, các nghệ nhân cỏ tế đang hoàn thiện những sản phẩm tinh xảo nhất để trưng bày. Không khí làm việc trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, khi mỗi người thợ đều tự hào về kỹ năng được truyền đời và mong muốn sản phẩm của mình sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ.

Ở Chuyên Mỹ, làng nghề khảm trai với những nghệ nhân tài hoa cũng đang chuẩn bị những tác phẩm độc đáo, tỉ mỉ. Đây không chỉ là dịp để các làng nghề khoe tài, mà còn là cơ hội để gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống, mang đến niềm tự hào cho người dân địa phương.

Chính quyền địa phương cũng chú trọng đến công tác tổ chức, bởi lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là nhịp cầu kết nối kinh tế, giúp các doanh nghiệp và làng nghề quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sự kiện này đã trở thành thương hiệu đặc biệt của huyện Phú Xuyên, khẳng định vị thế của các làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa, kinh tế bền vững.

Làng nghề cỏ tế ở xã Phú Túc đang tất bật chuẩn bị những sản phẩm thủ công độc đáo nhất. Ảnh: Sơn Tùng

Làng nghề cỏ tế ở xã Phú Túc đang tất bật chuẩn bị những sản phẩm thủ công độc đáo nhất. Ảnh: Sơn Tùng

Nghệ nhân Trần Văn Rồng, ở làng nghề cỏ tế xã Phú Túc cho hay: "Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên năm 2024 là dịp để các thế hệ nghệ nhân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Tôi rất vui khi sản phẩm cỏ tế của Phú Túc được mang đi giới thiệu rộng rãi, khẳng định giá trị và sức sống bền bỉ của làng nghề chúng tôi. Hy vọng, qua lễ hội này, nhiều người biết đến sản phẩm của Phú Túc hơn và chúng tôi có thể tiếp tục phát triển nghề truyền thống".

Theo Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Nguyễn Trung Hội, Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên đã trở thành một sự kiện quan trọng, gắn liền với đời sống văn hóa và kinh tế của các làng nghề trong xã. Đây không chỉ là dịp để các làng nghề giới thiệu sản phẩm, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò của làng nghề trong sự phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi rất tự hào về các sản phẩm khảm trai của xã Chuyên Mỹ và tin rằng lễ hội sẽ giúp nâng cao vị thế và mở rộng thị trường cho làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, từ năm 2011 đến nay, huyện đã tổ chức thành công các lễ hội vinh danh làng nghề, qua đó tạo ra sân chơi tôn vinh người thợ giỏi, khích lệ tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân. Qua mỗi kỳ lễ hội, sức sáng tạo và khả năng thích ứng của các làng nghề Phú Xuyên càng được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề với du lịch đã mang lại động lực mới cho kinh tế địa phương, giúp các làng nghề phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/le-hoi-vinh-danh-lang-nghe-phu-xuyen-gin-giu-va-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-682260.html