Lễ khai giảng rực rỡ sắc màu
Nhằm giáo dục truyền thống, nét đẹp của các dân tộc, nhiều trường học đã tích cực lồng ghép hoạt động, trò chơi dân gian trong dịp khai giảng...
Đa dạng hoạt động
Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông), phần lớn học sinh là người Mạ, M'Nông, Mông, Tày, Nùng, Thái... Do đó, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác giáo dục và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống cho học trò.
Cô Lê Thị Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lễ khai giảng gồm phần Lễ và Hội. Ở phần Hội, chúng tôi lồng ghép các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số như đi cà kheo, ném còn, bịt mắt bắt dê... Dịp này, nhà trường còn khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống. Vì vậy, lễ khai giảng hàng năm được ví như một “vườn hoa đa sắc màu mang tên trường dân tộc nội trú”.
Tương tự, Trường PTDTNT THPT Miền Tây (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái), năm học 2023 - 2024 đón 419 học sinh với 7 dân tộc anh em. Cô Hiệu trưởng Hà Bích Ngọc cho hay:
Cô Bích Ngọc cho biết thêm, nhà trường luôn hướng đến lễ khai giảng vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, hạnh phúc cho thầy và trò. Đặc biệt, học sinh đầu cấp sẽ cảm nhận được sự gần gũi của thầy cô, xem trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.
“Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trang trọng và không thể thiếu các trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc như ném còn, ném pao, kéo co, đẩy gậy... Thông qua các hoạt động này sẽ tăng cường gắn kết học sinh toàn trường; giúp học trò đầu cấp có tâm thế thật tốt, vui vẻ trong ngày đầu tiên bước vào năm học mới”.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT DTNT Nghệ An (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) có 700 học sinh, đến từ 10 dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Trước lễ khai giảng, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động này đồng thời giúp học trò hiểu thêm về văn hóa, tập quán của các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong học tập và sinh hoạt.
Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Nghệ An chia sẻ: “Với mô hình đặc thù, khai giảng không chỉ là dấu mốc của năm học mới mà còn là ngày hội văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì vậy, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức trong ngày này”.
Trong ngày khai giảng, phần lễ được nhà trường tổ chức ngắn gọn. Sau đó là phần hội, đoàn trường tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy… cùng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, thể hiện nét đẹp, sự đa dạng văn hóa của các dân tộc. Những hoạt động này nhiều năm qua luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia nên ai ấy đều háo hức chuẩn bị, tập dượt.
“Trong ngày khai giảng, chúng tôi nấu thêm một số món ăn đặc trưng của các dân tộc như mọc sườn, canh hột gà... để cải thiện bữa ăn, nhưng quan trọng là giúp các em giao lưu, hiểu hơn về văn hóa dân tộc”, cô Hoa cho hay.
Tạo nét riêng
Tại tỉnh Trà Vinh, lễ khai giảng được tỉnh tổ chức theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ông Thạch Tha Lai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên ở phần hội, các trường có thêm tiết mục văn nghệ của dân tộc Khmer, trò chơi dân gian. Thông qua đó, ngành Giáo dục địa phương muốn học sinh thêm tự hào giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó biết trân trọng, bảo tồn bản sắc văn hóa.
Tương tự, ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, Lễ khai giảng ở trường DTNT, DTBT sẽ có đặc thù riêng so với trường tiểu học, THCS, THPT.
Cụ thể, trường DTNT, DTBT sẽ có tuần lễ sinh hoạt đầu năm giúp học sinh đầu cấp tiếp cận, tìm hiểu nắm bắt cách học, sinh hoạt, điều kiện ăn ở nội trú. Bên cạnh đó, học trò được thầy cô hỗ trợ để làm quen, tìm hiểu về truyền thống nhà trường. Đặc biệt trong thời gian này, nhà trường còn bố trí đội ngũ giáo viên, thầy cô, đoàn thanh niên, học sinh khóa trước hướng dẫn, hỗ trợ học sinh đầu cấp.
Ông Võ Văn Mai trao đổi: “Lễ khai giảng thống nhất tổ chức vào 5/9, có hai phần là phần Lễ và Hội. Trong đó, phần Hội chủ yếu tập trung vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian gắn liền với bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống trong lễ khai giảng và tham gia hoạt động tại nhà trường để bạn bè hiểu được đặc trưng văn hóa, nét đẹp của các dân tộc trên địa bàn”.
“Là địa phương có nhiều dân tộc, vì vậy, chúng tôi luôn giáo dục cho học sinh hiểu và biết bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình. Theo đó, các hoạt động để lan tỏa giá trị văn hóa không chỉ có ở lễ khai giảng mà được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền...”, ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/le-khai-giang-ruc-ro-sac-mau-post652957.html