Lễ vật cúng lúa mới của người Tày

Lễ mừng lúa mới là một trong những nghi lễ có từ thời xa xưa của người Tày ở Cao Bằng. Lễ vật cúng lúa mới với những vật cúng độc đáo riêng biệt trở thành nét đặc trưng riêng mang đậm bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.

Khi những bông lúa bắt đầu ngả vàng, trong thời gian trước Thu phân tháng Tám khoảng 10 ngày, các bản làng chọn ngày Tý để tổ chức ngày ăn mừng lúa mới. Người xưa quan niệm rằng, nếu ăn cơm mới vào ngày Tý thì chuột sẽ không phá hoại mùa màng. Thời điểm này cũng là lúc những bông lúa ngoài đồng bắt đầu nặng hạt, chuẩn bị chín vàng và cho thu hoạch. Khi chọn được ngày, bà con trong làng cùng nhau làm lễ mừng mùa lúa mới dâng lên bàn thờ thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên, đất trời đã cho một mùa màng bội thu, cầu mong một năm gặp nhiều may mắn, gia đình, bản làng ấm no, hạnh phúc. Mâm lễ cúng gồm 1 con gà, 2 bát cơm mới, 1 bát nước đã đun sôi chung với những bông lúa non, rượu, thuốc lá, bánh kẹo...; các thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị các món ăn từ sớm để kịp giờ dâng lễ cúng tổ tiên.

Lễ cúng mừng lúa mới không thể thiếu một bát nước được đun chung với những bông lúa non.

Lễ cúng mừng lúa mới không thể thiếu một bát nước được đun chung với những bông lúa non.

Bát nước được đun sôi chung với những bông lúa non được coi là lễ vật chính không thể thiếu trong mâm lễ. Theo đó, người dân chọn từ 5 - 10 bông lúa đẹp nhất trong đám ruộng màu mỡ nhất của gia đình, cắt cả bông đem về nhà. Sau đó đun sôi nước và thả bông lúa mới vào rồi vớt lúa lên lấy một phần nước mang về nấu cơm. Cơm được nấu với nước lúa mới có mùi thơm của đất trời, hương vị đặc trưng ấy mỗi năm chỉ được thưởng thức một lần. Bà con nơi đây quan niệm rằng, uống nước lúa mới, tương lai sẽ ấm no, không bị đói khát và sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được mọi tai họa. Sau khi xong xuôi, gia chủ sẽ mang bát nước với bông lúa non, cơm được nấu từ nước lúa mới và các lễ vật khác lên bàn thờ thắp hương dâng cúng tổ tiên, cầu mong mùa màng bội thu để năm sau lại có của cải dâng cúng tổ tiên…

Sau khi trình lên bàn thờ tổ tiên, khai bữa cơm gia đình phải cho người già trong nhà ăn trước rồi mới đến các thành viên trong gia đình cùng ăn cơm. Theo tục lệ mừng lúa mới, khi ăn cơm không được chan canh, người xưa quan niệm rằng nếu chan canh những đám ruộng sẽ có nước gây khó khăn cho việc gặt hái, ngoài ra nếu gia đình làm những việc lớn trong năm như sửa mái, xây nhà sẽ bị gặp mưa liên miên.

Mâm cơm cúng mừng lúa mới của người Tày.

Mâm cơm cúng mừng lúa mới của người Tày.

Về nguồn gốc của lễ mừng lúa mới, theo các cụ xưa kể lại: Thuở xưa có hai anh em trai nhà nghèo khó, cha mẹ lại già yếu. Người dân quanh năm phải vào trong rừng sâu, bới đào rễ củ trong rừng. Cuộc sống của họ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cha mẹ hai chàng trai qua đời vì đói. Sau khi trưởng thành, hai anh em thấy dân làng nghèo khổ, chẳng bao giờ đủ ăn, họ quyết định đi xa tìm thứ khiến cuộc sống no đủ hơn chứ không thể chết dần trong cảnh đói nghèo. Sau hơn một năm họ trở về với bản làng và mang theo một thứ ngũ cốc, họ nói đây là thứ “người trời” hay ăn. Đó là những hạt lúa họ mang về gieo xuống đất, rồi nó nảy mầm, ra bông, kết hạt. Từ đó dân làng được ấm bụng, chẳng còn lo đói nữa. Để ghi nhớ điều kỳ diệu này, mỗi năm trước mùa gặt, bản, làng lại tổ chức mừng lúa mới.

Bà Nông Thị Sỏi, xóm Hợp Nhất, xã Lý Quốc (Hạ Lang) cho biết: Trước đây, khi tôi còn nhỏ, thời kỳ đấy ở các bản làng vẫn còn rất khó khăn. Khi hết gạo, chúng tôi chỉ ăn ngô thay cơm nên thời đấy ai cũng háo hức mong chờ đến ngày lễ mừng lúa mới. Ngày nay, khi cuộc sống đã phát triển, lễ mừng lúa mới vẫn được gìn giữ và trở thành ngày lễ quan trọng không thể thiếu của người dân nơi đây. Mỗi năm khi đến ngày này không chỉ lớp già chúng tôi mà những đám trẻ trong xóm cũng háo hức mong chờ để được thưởng thức bát cơm nấu với lúa mới thơm ngọt hương vị của quê hương.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lễ mừng cơm mới đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Lễ vật cúng cơm mới trở thành nét độc đáo riêng biệt của người Tày, góp phần làm phong phú nền văn hóa đặc sắc dân tộc.

Mai Chi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-vat-cung-lua-moi-cua-nguoi-tay-3172394.html