Lên đường vì miền Nam ruột thịt

Gần 1 tháng nay, mỗi ngày mới, các tỉnh, thành miền Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn ca bệnh. Sức 'nóng' của các ca dịch khiến muôn trái tim người Việt như bị bóp nghẹt. Ai cũng mong được góp sức mình cùng cả nước chống dịch.

Nên cũng thật dễ hiểu, khi tỉnh có chủ trương thành lập Đoàn thầy thuốc chi viện Bình Dương, một trong những tâm dịch của miền Nam thời điểm này, thì ngay lập tức có hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ Lào Cai đăng ký lên đường. Tuy nhiên, theo đề nghị của tỉnh bạn, tỉnh lựa chọn 50 cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ đầy ý nghĩa: Chi viện cho Bình Dương chống dịch. Đây là Đoàn thầy thuốc tình nguyện thứ 2 của tỉnh Lào Cai tham gia công tác chống dịch của cả nước (Trước đó, vào ngày 28/5, Đoàn thầy thuốc tình nguyện thứ nhất của tỉnh tham gia chống dịch tại “tâm dịch” Bắc Giang).

“Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở miền Nam. Hơn lúc nào hết, những thầy thuốc chúng tôi luôn mong được mang hết khả năng cũng như sự nhiệt huyết để cứu giúp người bệnh… Những ngày nơi “tuyến đầu” miền Nam, chúng tôi sẽ cùng chung tay với các đồng nghiệp cả nước, với các lực lượng đẩy lùi dịch bệnh…”, Thạc sỹ Nguyễn Hải Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng Đoàn thầy thuốc Lào Cai lên đường chống dịch ở Bình Dương giọng đầy xúc động chia sẻ với chúng tôi trước lúc lên đường.

Rồi đây khi đặt chân đến bầu trời miền Nam thân yêu, mỗi cán bộ, y, bác sỹ sẽ đảm nhận những công việc, những trọng trách khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là sự nhiệt thành, trách nhiệm để cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn.

“Hạnh phúc vì là một trong rất nhiều…”

Trong đoàn đợt này chỉ có một nữ hộ sinh. Đó là chị Trương Thị Mến, nữ hộ sinh khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Chia sẻ với chúng tôi về nhiệm vụ sắp tới, chị Mến cho biết: Miền Nam đang “nóng” lên từng ngày bởi các ca bệnh Covid-19 tăng cao. Những y, bác sỹ trong đoàn tình nguyện luôn tâm niệm đến với nơi “chảo lửa” dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm, là lương y mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao, còn gì hạnh phúc hơn khi mình được cống hiến, được là một trong rất nhiều người đứng nơi tuyến đầu chống dịch…”.

Nữ hộ sinh Trương Thị Mến tìm hiểu về tình hình dịch bệnh ở Bình Dương.

Nữ hộ sinh Trương Thị Mến tìm hiểu về tình hình dịch bệnh ở Bình Dương.

Là nữ hộ sinh có tay nghề chuyên môn vững, đặc biệt lại rất cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm và nhiệt tình, nên chị Mến luôn được lãnh đạo tin tưởng giao nhiều trọng trách trong công việc, là hạt nhân thực hiện nhiệm vụ trong nhiều ca bệnh khó. Cũng bởi vậy mà trong đầu tháng 3/2020, khi Lào Cai có 2 ca Covid-19 đầu tiên là 2 du khách người Anh, chị Mến được chọn là một trong những người công tác tại khu cách ly. Trong khoảng thời gian 15 ngày thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly của thị xã Sa Pa, chị Mến như con thoi cùng cộng sự làm việc đêm ngày. Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân, các chị còn kiêm thêm công việc của hộ lý từ việc phun khử khuẩn đến làm công tác hậu cần. Chị Mến nhớ lại: Làm nhiệm vụ trong khu cách ly, công việc nhiều, thời gian gấp, mỗi ngày chúng tôi chỉ được duỗi chân vài ba tiếng, tuy nhiên không ai lấy đó là điều bận lòng. Chúng tôi luôn tự nhủ và động viên nhau: Vẫn biết sẽ thật nhiều gian nan, vất vả, nhưng đây là lúc người dân, đất nước cần mình nhất, nên phải cố gắng, vững vàng thực hiện thật tốt nhiệm vụ đã được giao.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mến nhắc đi nhắc lại những câu chuyện đọc được trên báo về khu cách ly. Giọng chị đầy xúc động, đôi mắt hoe đỏ khi kể về những bà bầu không may trở thành F1, F0, bởi cuộc sống bầu bí không mấy dễ dàng ở những nơi cách ly, rồi cả những trường hợp sinh con trong khu cách ly… Bởi người khỏe bị mắc bệnh đã mệt mỏi rồi, các mẹ bầu bị mắc bệnh sẽ càng mệt mỏi hơn. Kèm theo đó, tâm lý phụ nữ trước và sau sinh rất đặc biệt, các nhân viên y tế có chuyên môn hộ sinh như chị Mến không chỉ giúp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, mà còn có thể trở thành bác sỹ tâm lý cho những bà bầu, bà mẹ bỉm sữa, sao cho các mẹ có được tâm lý thoải mái nhất để tự chăm sóc sức khỏe của mình rồi sinh con và chăm con trong điều kiện vô cùng đặc biệt.

Hai lần viết đơn tình nguyện ra “tuyến lửa”

Tháng 6 vừa qua, anh Phạm Văn Chiến, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cũng đã viết đơn tình nguyện đi hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang nhưng chưa có cơ hội. Đợt này, khi có thông tin kêu gọi tham gia đoàn công tác, tinh thần xung kích khiến anh chẳng nề hà một lần nữa xung phong dù tình hình dịch bệnh ở Bình Dương cam go hơn rất nhiều.

Trong lễ xuất quân, hình ảnh bịn rịn lúc chia tay của gia đình anh khiến nhiều người xúc động. Cô con gái nhỏ 3 tuổi bám chặt vào vai áo ba, vợ anh - chị Lường Thị Hồng Tươi cũng là đồng nghiệp cùng đơn vị, dù đã quen với việc anh vắng nhà đi trực nhưng hôm nay, trước chuyến đi đến “tuyến lửa” của chồng, chị cũng không khỏi ngậm ngùi, lo lắng. Chị Tươi chia sẻ: Tôi luôn ủng hộ quyết định của chồng, gắn bó với nghề điều dưỡng, chuyên chăm sóc bệnh nhân nặng Khoa Hồi sức tích cực đã hơn 10 năm nay, chắc chắn anh sẽ đóng góp nhiều kinh nghiệm chuyên môn để chăm sóc tốt các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Con gái nhỏ vẫy chào ba Chiến trước giờ lên đường.

Con gái nhỏ vẫy chào ba Chiến trước giờ lên đường.

Trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương, anh Chiến cũng đã tham gia hơn một tháng làm việc tại khu cách ly tập trung, đồng thời, tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 Bệnh viện Sản – Nhi, anh phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm cho các đối tượng. Hoàn thành tốt nhiệm vụ ở khoa, không nề hà góp sức khi ngành kêu gọi. Anh Chiến chia sẻ rằng: Khi hằng ngày đọc thông tin hàng nghìn ca lây nhiễm tại miền Nam khiến tôi bồn chồn, chỉ muốn góp sức mình, là điều dưỡng dù ở quê hương hay đến vùng đất nào, tôi cũng sẽ chăm sóc người bệnh như người thân ruột thịt.

“Không là mình thì là ai!”

Khi được hỏi về lý do viết đơn tình nguyện gia nhập Đoàn thầy thuốc tình nguyện chi viện cho Bình Dương chống dịch, anh Vàng Văn Nam, y sỹ đa khoa Phòng khám Đa khoa khu vực Cán Cấu, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai nở nụ cười tươi rói, hồ hởi: Mình là người vùng cao, từ bé quen với núi rừng, nên mọi gian khó đã được tôi luyện đủ cả. Thêm vào đó là y sỹ đa khoa được đào tạo bài bản cùng với hơn chục năm công tác, kinh nghiệm đầy mình… Không là mình thì là ai!

Anh Vàng Văn Nam chuẩn bị đồ đạc lên đường.

Anh Vàng Văn Nam chuẩn bị đồ đạc lên đường.

Anh Nam là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở vùng “cao nguyên trắng” Bắc Hà. Hồi tháng 5, khi tỉnh có thông báo về việc thành lập Đoàn công tác tham gia chống dịch ở Bắc Giang, anh Nam cũng đã viết đơn tham gia. Tuy nhiên, do đoàn đi hạn chế về số lượng, nên trong đợt “chia lửa” cùng tâm dịch Bắc Giang anh không được tham gia. Theo dõi các đồng nghiệp ngày đêm lăn lộn nơi “rốn dịch”, anh chỉ ước được trực tiếp tham gia, đem hết khả năng chuyên môn đóng góp vào công cuộc chống dịch. Mong muốn vậy nên khi biết có đoàn thứ 2 tham gia chống dịch ở Bình Dương, anh đã viết lá đơn đầy nhiệt huyết xin ra tuyến đầu chống dịch. Được lựa chọn vào trong hàng ngũ, lòng anh chứa chan hạnh phúc.

Là y sỹ đa khoa, công việc chính ở phòng khám của anh Nam là khám, chữa bệnh hằng ngày cho người dân, kèm theo đó là khám sàng lọc phục vụ cho các đợt tiêm chủng ở địa phương, nên anh Nam có nhiều kinh nghiệm trong công tác phù hợp với các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nơi đến.

Hành trang đến với vùng “tâm dịch” của chàng bác sỹ người Tày chỉ vẻn vẹn có chiếc ba lô nhỏ với 2 chiếc áo blu trắng, vài bộ quần áo mặc hằng ngày và một ít đồ dùng cá nhân, nhưng ý chí, quyết tâm thì cao như núi: “Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì được đến với tuyến đầu. Chúng tôi sẽ khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, đến khi dịch yên chúng tôi sẽ trở về…”.

Tôi luôn sẵn sàng lên đường

Trước giờ lên đường, bác sỹ Vũ Quang Chiến, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng chia sẻ với chúng tôi: Là một cán bộ y tế, tôi muốn góp chút sức nhỏ bé cùng với ngành y tế đẩy lùi dịch Covid-19 để người dân sớm có cuộc sống bình yên. Tôi biết rằng chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm và khó khăn, nhưng đọc tin thấy Bình Dương đã có trên 5.000 ca mắc Covid-19, đồng nghiệp của tôi đang rất vất vả chiến đấu với dịch bệnh để truy vết, sàng lọc, xét nghiệm, điều trị cho người dân. Điều đó thôi thúc tôi, cho tôi ý chí, niềm tin của tuổi trẻ để sẵn sàng lên đường đi vào tâm dịch.

Bác sỹ Vũ Quang Chiến tình nguyện góp sức trẻ tại Bình Dương.

Bác sỹ Vũ Quang Chiến tình nguyện góp sức trẻ tại Bình Dương.

Vừa qua, trong quá trình thực tập tốt nghiệp bác sỹ đa khoa tại Trường Đại học Y dược Thái Bình, anh Chiến đã tham gia vào công tác truy vết, sàng lọc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch đã giúp anh thêm vững tâm đến Bình Dương.

Điều khiến chúng tôi cảm động hơn cả là dù hoàn cảnh gia đình vất vả, hai con anh còn nhỏ, vợ anh cũng là cán bộ y tế, phải trực đêm và cũng đang tham gia phòng, chống dịch ở địa phương, nhưng anh Chiến vẫn viết đơn tình nguyện. Tuy sẽ có nhiều vất vả, nhưng "hậu phương" của anh luôn động viên, ủng hộ quyết định của chồng, tạo niềm tin vững chắc để anh yên tâm cống hiến. Bên cạnh đó, tiếp thêm sức mạnh cho bác sỹ Chiến còn là sự động viên, khích lệ của lãnh đạo bệnh viện và ý chí của những đồng nghiệp đã gửi gắm niềm tin nơi anh cùng 3 cán bộ y tế của huyện Bảo Thắng được đại diện cho rất nhiều y, bác sỹ cùng đơn vị cũng đã viết đơn tình nguyện trong dịp này.

Đoàn công tác rời quê hương Lào Cai lúc 7h 30, đến 16h 30 đã đến Sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển về Bình Dương. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh Chiến cho biết: Chúng tôi đã đến nơi và sẽ sớm nhận nhiệm vụ. Tất cả chúng tôi sẽ cống hiến hết mình giúp Bình Dương khống chế dịch bệnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/214079-len-duong-vi-mien-nam-ruot-thit