Lên Tây Giang làm báo Tết

Cuối năm 2005, chuẩn bị bài cho số báo Tết Bính Tuất 2006, tôi rủ Công Khanh, lúc đó mới về báo được vài tháng đi Tây Giang (Quảng Nam) với ý định sẽ viết về những chuyện đón xuân ở vùng biên giới Việt - Lào. Ngày ấy để lên được vùng khu 7, thuộc 4 xã vùng cao biên giới giáp nước bạn Lào ở Tây Giang, có thể khẳng định ngay phải rất là “máu”, thậm chí là liều lĩnh vì cả 100km lên khu vực ấy không hề có một mét đường giao thông, có chăng chỉ là những đoạn đường công vụ của Bộ đội Biên phòng... Cũng phải nói thêm, sẽ có nhiều người thắc mắc, vì sao chúng tôi phải chọn một địa bàn tác nghiệp “oái oăm” như vậy, vì ngày ấy làm báo không như bây giờ. Báo Công an TP Đà Nẵng ngày ấy có nhiều phóng viên cự phách, lại có đội ngũ cộng tác viên đông đảo và cũng rất có tên tuổi. Cứ mỗi đợt sắp ra báo xuân, các cây bút “cây đa cây đề” lại gửi bài về tòa soạn rầm rầm, vậy là những cây bút mới “nảy mầm” như chúng tôi chỉ biết ngó nhìn! Nếu muốn lọt được một vài bài vào trong số báo Tết thì phải quyết tâm đi tìm đề tài ở những vùng như khu 7 Tây Giang, may ra kiếm được chuyện gì khác lạ, mới có cơ hội “đứng bài”...

Trước thời điểm ấy 2 năm, khi Tây Giang mới tái lập, tôi đã từng có chuyến đi bộ ròng rã hơn 2 ngày đường lên trung tâm Tây Giang. Sang năm 2005, Tây Giang đã có đường ô-tô khoảng hơn 20km lên được tới trung tâm huyện, còn đi lên nữa, chủ yếu vẫn là đi bộ. Chọn ngày nắng ráo tháng 11, tôi và Công Khanh xuất phát từ Đà Nẵng, vượt hơn 150km đường Hồ Chí Minh, nghỉ lại trung tâm huyện một đêm, sáng hôm sau hành quân tiếp lên biên giới. Đại ngàn Trường Sơn xanh thăm thẳm, con đường đất đỏ công vụ mới mở lên biên giới tuy dốc đứng quanh co, nhưng con Win100 cà tàng của tôi vẫn nổ giòn giã, cõng hai anh em xé gió vượt dốc ào ào... Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, đi được khoảng 20km, núi rừng bỗng tối sầm, mưa ầm ầm đổ xuống, con đường trong phút chốc biến thành những bãi bùn nhầy nhụa. Chiếc xe máy của chúng tôi lúc nổ chói tai, lúc thở hồng hộc nhích từng đoạn, nhiều lúc trượt quay ngang lưng dốc... Còn phải vượt qua đỉnh dốc chừng 5km mới tới xã Trhy, xã đầu tiên của khu 7, đây là con dốc dựng đứng, mỗi khi leo lên đi xuống, người đi đường gần như phải ngừng thở vì dốc quá dài, cán bộ và người dân ở Tây Giang đặt tên là dốc “câm mồm”. Chiếc xe chúng tôi đang từ từ lần từng mét xuống dốc, bỗng lò xo chân phanh bung ra, tôi chỉ kịp hô: “Khanh nhảy xuống kéo xe lại...”.

Rất may, Công Khanh đã kịp thời tụt khỏi xe, dùng hết sức ghì đuôi chiếc xe để tôi đánh tay lái húc vào ta luy dương, nếu không cả hai anh em tôi và chiếc xe đã trôi tuột xuống vực sâu cả trăm mét phía dưới... Vẫn chưa hết hiểm nguy, còn cách đồn biên phòng và trung tâm xã A Xan chừng 10km nữa, xe cũng đang xuống dốc, bất ngờ gặp ngay một khe nước đục ngầu ở khúc cua khuất tầm nhìn. Mặc dù tôi dùng hết sức đạp phanh, nhưng cả hai anh em và chiếc xe vẫn trôi tuột xuống chìm nghỉm trong vũng bùn, cũng rất may Công Khanh giơ cao được túi đựng quần áo và chiếc máy ảnh, tài sản quý nhất của chúng tôi khỏi bị ướt. Đúng một ngày trời vật lộn trên đoạn đường chỉ chừng 60km, chúng tôi xuất hiện tại Đồn biên phòng 645 (bây giờ là Đồn A Xan), trong sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Nhìn bộ dạng bùn đất bê bết từ đầu tới chân của hai nhà báo, Chính trị viên Long của đồn trịnh trọng “thông báo”: “Các anh là người làm báo đầu tiên dám đi xe máy lên A Xan”. Thông tin như lời “biểu dương” cùng sự nhiệt tình, tình cảm của các chiến sĩ Biên phòng làm chúng tôi quên hết chặng đường hiểm nguy, vất vả. Cũng có thể quý cái sự can đảm, nhiệt tình của 2 anh em chúng tôi, Chính trị viên Long, các chiến sĩ đội vận động quần chúng của đồn nhiệt tình đưa chúng tôi về các thôn bản. Chúng tôi đã ghi được nhiều hình ảnh và tư liệu rất hay về đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh, trật tự... vùng biên giới, để sau chuyến công tác trở về, không chỉ viết được bài báo Tết mà còn nhiều bài cho các chuyên mục khác...

Sau chuyến đi ấy, tôi tưởng sẽ còn rất lâu, chúng tôi mới có dịp trở lại vùng biên cương gian khó ấy. Ấy vậy mà đúng một năm sau, cũng tháng 11-2017, khi vùng biên giới Tây Giang đang bị cô lập bởi bão lũ, một đoàn các phóng viên rất “máu lửa” ở Đà Nẵng gồm Công Khanh, Nam Cường, Hữu Khá, Ngọc Thi lại ngược Tây Giang, cùng các cán bộ chủ chốt của huyện thực hiện một chuyến công tác 15 ngày đi bộ lên các xã vùng biên giới của Tây Giang, giữa những ngày mưa bão khốc liệt. Sau chuyến đi này, các nhà báo đã được UBND huyện tặng giấy khen, một chuyện chưa từng có với người làm báo ở miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Kể lại những chuyện này hôm nay, chúng tôi chỉ muốn coi đó như những lời tâm huyết cùng các đồng nghiệp rằng, làm báo thời nào cũng vậy, cùng với lòng yêu nghề, phải có sự quyết tâm, trách nhiệm, kể cả dám dấn thân với nghề... đó chính là cái cần thiết để vinh danh nghề làm báo.

TRUNG THÀNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_227796_len-tay-giang-lam-bao-tet.aspx