Lênin qua lăng kính Bác Hồ và những chỉ dẫn cho chúng ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn luyến tiếc chưa trực tiếp được gặp Lênin, nhưng qua những tư liệu đọc được và những cống hiến của Lênin cho nước Nga, cho cách mạng thế giới, Bác đánh giá rất cao vai trò của Lênin và luôn tự nhận mình là một người học trò nhỏ của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn luyến tiếc chưa trực tiếp được gặp Lênin, nhưng qua những tư liệu đọc được và những cống hiến của Lênin cho nước Nga, cho cách mạng thế giới, Bác đánh giá rất cao vai trò của Lênin và luôn tự nhận mình là một người học trò nhỏ của Người. Ảnh hưởng của Lênin đến Bác, tình cảm của Bác dành cho Lênin, những điều Bác học từ Lênin luôn trong sáng và thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản của những nhân cách lớn và qua đó chỉ dẫn cho chúng ta nhiều điều.

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, Lênin là người ảnh hưởng đến quá trình chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ người yêu nước thành người cộng sản. Đó là tháng 7-1920, khi đọc “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên Báo Nhân đạo (L’Humanité) của Ðảng Xã hội Pháp, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Từ nhận thức và lập trường đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dấn thân cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức, gông xiềng, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ nước nhà. Việc Bác từng bước xác lập tư tưởng, đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là đảng nào khác, lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa chứ không phải con đường tư bản và các vấn đề về phát triển kinh tế - chính trị - xã hội khi nước nhà đã độc lập… đều trên lập trường của Lênin. Bác nhiều lần khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

 Tượng đài Bác Hồ ở quảng trường mang tên Bác ở thành phố Ulianovsk - quê hương của Lênin.

Tượng đài Bác Hồ ở quảng trường mang tên Bác ở thành phố Ulianovsk - quê hương của Lênin.

Qua khẳng định của Bác, chúng ta thấy rằng, tư tưởng của Bác ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng của Lênin, sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất lớn chủ nghĩa Mác - Lênin. Những thắng lợi cách mạng Việt Nam đạt được trong lịch sử và công cuộc đổi mới ngày nay ghi dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế nên, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Nhưng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn ra sức chống phá nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tỉnh táo nhận diện để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, thù địch và càng phải kiên định con đường đã chọn vì lý tưởng cộng sản và hạnh phúc của nhân dân.

Trong công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần dẫn ra tấm gương đạo đức sáng ngời của Lênin để cán bộ, đảng viên ta học tập. Bác cho rằng: “Đảng viên ta tuy không có tài cao học rộng như Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin. Nhưng chúng ta chỉ cốt có quyết tâm, trước sau quyết giữ vững địa vị chiến sĩ tiên phong của vô sản, xem xét nhân sinh và thế giới theo đúng chủ nghĩa cách mạng, trước sau không rời công tác cách mạng của giai cấp vô sản, ra sức rèn luyện và tu dưỡng - như vậy thì nhất định có thể nâng cao tư cách của mình đến chỗ:

Sáng suốt và bình tĩnh,

Gan góc đấu tranh, không nể nang đối với kẻ địch của dân,

Gặp lúc khó khăn, không sợ sệt hoặc có tâm lý sợ sệt,

Trung thành, trong sạch,

Yêu mến nhân dân, như Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin vậy.

Đồng thời, áp dụng phương pháp và thái độ Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề phức tạp, xem xét cân nhắc kỹ càng các vấn đề”…

Đặt trong điều kiện xử lý những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội cấp bách, chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay thì những tiêu chuẩn Bác yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải có, những điều cần phải phấn đấu, học tập Lênin như trên vẫn còn nguyên giá trị. Đại dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng toàn diện trên toàn thế giới, nước ta cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch, nhưng với tinh thần tất cả đều vì dân, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, chăm lo đời sống và sinh kế của hàng triệu người, nhất là những người yếu thế trong xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế và quyết tâm chính trị cao, bước đầu chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình; kiềm chế, khống chế đại dịch một cách hiệu quả, được nhân dân trong nước và thế giới đánh giá cao. Lời chỉ dạy của Lênin về tinh thần và cốt cách của người cộng sản vẫn luôn đúng, trong trường hợp này đã làm nên thắng lợi Việt Nam.

TS. Ngô Khắc Sơn -Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực III

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202004/ky-niem-150-nam-ngay-sinh-lenin-22-4-1870-22-4-2020-lenin-qua-lang-kinh-bac-ho-va-nhung-chi-dan-cho-chung-ta-8160433/