Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung Quốc
Vốn đã 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt', nay quan hệ Mỹ - Trung lại tiếp tục bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/8 tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và những người thân cận vì chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan tối 2/8 vừa qua.
Tuyên bố nhấn mạnh chuyến thăm đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nguyên tắc “Một Trung Quốc”, gây nguy hại cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trước đó, hôm 4/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tiếp triệu tập khẩn cấp Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu, cùng Đại sứ Nhật Bản tại nước này để phản đối về các tuyên bố liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đặng Lịch tái khẳng định, nguyên tắc “Một Trung Quốc” là lằn ranh đỏ và giới hạn không thể vượt qua trong quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước, “các quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không được trao đổi chính thức dưới bất kỳ hình thức nào với Đài Loan”.
Ông cho rằng, việc bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc) là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, do vậy việc Bắc Kinh đáp trả là “hợp lý hợp pháp” và “hiển nhiên”. Riêng với Đại sứ Nhật Bản, ông Đặng Lịch hối thúc Tokyo “tuân thủ các nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị Trung - Nhật và các cam kết chính trị về vấn đề Đài Loan, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và thỏa đáng, không đi ngày càng xa trên con đường sai lầm”.
Trước đó, tối 2/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này Nicholas Burns tới để phản đối chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” và 3 thông cáo chung của lãnh đạo Mỹ - Trung; cho rằng chuyến thăm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng chính trị trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ, làm suy yếu hòa bình và ổn định trên toàn eo biển Đài Loan.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ thực hiện các hành động cụ thể tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các điều khoản trong 3 thông cáo chung giữa 2 quốc gia. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã bày tỏ phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới vùng lãnh thổ Đài Loan, gọi đây là động thái làm gia tăng căng thẳng chính trị.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan của bà Nancy Pelosi là một nỗ lực có chủ ý của Washington nhằm vào Trung Quốc: “Tôi không thấy có lý do nào khác để tạo ra sự khó chịu như vậy, dù biết rất rõ điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Trung Quốc”.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho thấy Washington hoàn toàn không xem xét quan điểm của các nước khác. Theo bà, chuyến thăm là một “sự khiêu khích” nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng chỉ trích điều mà Bình Nhưỡng gọi là “sự can thiệp thiếu thận trọng” của Mỹ vào công việc nội bộ của Trung Quốc liên quan tới chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ nước này “kịch liệt phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của bên ngoài vào vấn đề Đài Loan và hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc”.
Chia sẻ quan điểm này, trong tuyên bố của mình, CHDCND Lào tái khẳng định quan điểm nhất quán ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, đồng thời phản đối bất kỳ hành động nào nhằm tạo ra tình huống “hai nước Trung Quốc” hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan”.
Về phần mình, phát biểu với báo giới tại Tokyo vào ngày 5/8, bà Nancy Pelosi khẳng định các chuyến thăm của bà tới châu Á, trong đó có hòn đảo tự trị Đài Loan (Trung Quốc), không liên quan tới việc thay đổi hiện trạng ở khu vực. Quan chức này nói thêm rằng Mỹ sẽ không để Đài Loan bị cô lập.
Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều sắp tổ chức các sự kiện chính trị lớn thì lãnh đạo hai nước đều không muốn để căng thẳng có thể biến thành xung đột vũ trang. Về phía Trung Quốc, nếu không có các hành động cứng rắn đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi thì uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20 có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chuyến thăm này cũng tạo tiền lệ cho các giới chức Mỹ cũng như các nước khác, ví dụ như các nghị sỹ Anh, đi thăm Đài Loan trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ đặt Trung Quốc vào thế khó trong việc hoạch định chính sách đối với Đài Loan thời gian tới.
Về phía Mỹ, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden ban đầu phản đối nhưng rõ ràng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan cũng mang lại lợi ích không ít cho phe Dân chủ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Đối mặt với các khó khăn, thách thức trong nước, phe Dân chủ trước đây đã từng đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại để tạo đà, tăng uy tín trong cử tri. Trong trường hợp trên, nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ không thực hiện được chuyến thăm thì thiệt hại cho uy tín của đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể còn lớn hơn nhiều.
Đối với các nỗ lực kiểm soát rủi ro và mâu thuẫn, mặc dù chuyến thăm của bà Nancy Pelosi khiến căng thẳng Mỹ -Trung tiếp tục leo thang, nhưng cũng không phải là không có cơ hội giúp duy trì ổn định giữa hai nước. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay các kênh liên lạc giữa hai nước vẫn được duy trì và tỏ ra có hiệu quả. Ví dụ như cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần trước cũng đã phần nào khiến hai nước không bị bất ngờ trước các phản ứng của nhau. Ngoài ra, các kênh liên lạc quân sự cũng dược duy trì, thậm chí còn thường xuyên hơn để tránh va chạm ngoài ý muốn trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng lực lượng, đẩy mạnh tập trận trong khu vực.
Có thể thấy rằng, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục là xu thế không thể thay đổi, căng thẳng Mỹ-Trung nói chung và đặc biệt liên quan đến Đài Loan sẽ ở trong trạng thái bình thường mới. Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan lần này cũng được xem là liều thuốc thử đối với phản ứng, là bài kiểm tra năng lực quản lý rủi ro của cả Mỹ và Trung Quốc trong tình hình mới.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/leo-thang-cang-thang-my-trung-quoc-i663008/