Lép vế tại sân nhà

Ngành công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) bị lép vế tại chính sân nhà khi các nước thành viên ưu tiên nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quốc phòng từ bên ngoài khối.

AP dẫn báo cáo mới được công bố về năng lực cạnh tranh của EU, do cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi và các cộng sự thực hiện theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, 63% các đơn hàng quốc phòng của EU là với các công ty của Mỹ và 15% là với các nhà cung cấp khác bên ngoài EU. Báo cáo nhận định thực trạng trên chủ yếu là do EU chưa đầu tư đúng mức cho ngành công nghiệp quốc phòng nội khối.

Theo trang mạng Euronews, trong một thập niên qua, các nước thành viên EU đã “đảo ngược” xu hướng cắt giảm đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng, vốn diễn ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Điều này được thể hiện qua việc chi tiêu quốc phòng liên tục gia tăng và hầu hết các nước thành viên EU đã cam kết sẽ chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Tuy nhiên, báo cáo của cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi và các cộng sự cho rằng xét tới bối cảnh địa chính trị hiện nay, chi tiêu quốc phòng của EU vẫn “chưa đủ và chưa hiệu quả” khi so với các cường quốc khác. Ước tính trong một thập niên tới, ngành công nghiệp quốc phòng của EU cần thêm 500 tỷ euro (560 tỷ USD) để “đảm bảo năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu”.

Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại họp báo công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh của EU. Ảnh: DPA

Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại họp báo công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh của EU. Ảnh: DPA

Trong bối cảnh như vậy, các nước thành viên EU chưa tận dụng tối đa năng lực nghiên cứu và phát triển quốc phòng của khối nhằm hiện đại hóa lực lượng quân đội của mình. Trong năm 2022, tuy rằng đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng của tất cả 27 nước thành viên EU đã lên tới 10,7 tỷ euro (gần 12 tỷ USD), chiếm 4,5% tổng chi tiêu quốc phòng, song vẫn còn tương đối khiêm tốn khi so với con số 140 tỷ USD, chiếm tới 16% chi tiêu quốc phòng của Mỹ.

Báo cáo đã nêu bật một thực tế đang tồn tại ở EU liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng đó là các nước thành viên cứ mạnh ai nấy làm. “Chúng ta vẫn chưa hợp lực giúp các công ty quốc phòng của chúng ta hội nhập và phát triển. Chúng ta cũng không ưu tiên các công ty quốc phòng châu Âu có năng lực cạnh tranh... EU đang lãng phí các nguồn lực chung... Các nước thành viên không tận dụng lợi ích từ việc phối hợp ở cấp độ EU, mua sắm và bảo trì chung, hay huy động và chia sẻ nguồn lực... Nếu không tăng cường sự phối hợp thì nhu cầu nội khối gia tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung trên thị trường quốc phòng châu Âu”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong năm 2022, các dự án mua sắm quốc phòng chung của EU chỉ chiếm 18% tổng chi tiêu quốc phòng của khối mặc dù các nước thành viên trước đó đã cam kết mức 35% mà Cơ quan quốc phòng châu Âu đề ra. “Vấn đề lớn ở đây là các tài sản chung có cần thiết hay không? Câu trả lời là có. Cần có ngân quỹ chung. Cần có các tài sản chung”, cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi phát biểu với báo giới.

Euronews cho biết, báo cáo của cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi và các cộng sự được công bố giữa thời điểm ngành công nghiệp quốc phòng của EU được đánh giá là “rất phân mảnh”. Thị trường quốc phòng EU hiện bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Điển cùng hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, từ đó thường dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp các sản phẩm. “Một ngành công nghiệp quốc phòng tập trung, tách khỏi các ưu tiên quốc gia-tức là các thị trường nội địa nhỏ lẻ, hướng tới một thị trường thống nhất hơn ở châu Âu chính là giải pháp căn bản. EU không mua đủ vũ khí và lại thường mua với giá quá cao. Vì vậy, thực sự cần phải hướng tới một thị trường quốc phòng châu Âu thống nhất hơn”, chuyên gia Guntram Wolff thuộc Viện nghiên cứu Bruegel tại Brussels (Bỉ) trả lời phỏng vấn Euronews.

Cùng chung quan điểm, nghị sĩ EU Hannah Neumann cho rằng các nước thành viên EU cần “ngừng cạnh tranh lẫn nhau”. Thay vào đó, EU cần hợp tác về “trí lực và năng lực sản xuất” để đảm bảo sản xuất được “các sản phẩm quốc phòng hiện đại nhất tại EU”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/lep-ve-tai-san-nha-796075