Liên Hợp Quốc có thể làm gì nếu lính Triều Tiên tham chiến tại Ukraine?

Mới đây, Mỹ xác nhận binh sĩ CHDCND Triều Tiên đang hiện diện tại Nga nhưng chưa rõ mục đích cụ thể.

Nhà Trắng cảnh báo số binh sĩ này nếu tham chiến tại Ukraine thì sẽ vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên hứng chịu trừng phạt của Hội đồng Bảo an kể từ năm 2006. Vài năm qua, trừng phạt được tăng cường đều đặn nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo. Hội đồng Bảo an có một ủy ban 15 thành viên (gồm cả Nga) chuyên trách xem xét và thực hiện hành động thích hợp khi xuất hiện thông tin liên quan đến hành vi vi phạm. Ủy ban hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Một thành viên Hội đồng Bảo an cũng có thể đề xuất hành động bằng cách đề trình dự thảo nghị quyết, nhưng muốn thông qua đòi hỏi phải nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu chống nào từ 5 thành viên thường trực (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh).

Theo các nghị quyết trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, các nước không được tiếp nhận sĩ quan huấn luyện, cố vấn hay quan chức khác cho mục đích huấn luyện liên quan đến quân sự, bán quân sự hoặc cảnh sát. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí.

Công tác giám sát tuân thủ

Trong 15 năm qua, công tác giám sát tuân thủ trừng phạt do một nhóm chuyên gia (Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bổ nhiệm) đảm nhận. Mỗi năm họ tiến hành báo cáo 2 lần lên Hội đồng Bảo an đồng thời khuyến nghị cách cải thiện hiệu quả cấm vận. Bản báo cáo thường nêu tên cá nhân, thực thể, quốc gia mà nhóm chuyên gia đang điều tra hoặc xác định vi phạm trừng phạt.

Thời hạn của trừng phạt là vô thời hạn, còn nhiệm vụ của nhóm chuyên gia được gia hạn hàng năm. Tháng 3 năm ngoái, Nga phủ quyết việc gia hạn nên nhóm chuyên gia đã ngừng thực hiện công tác giám sát từ ngày 30.4.

Đầu tháng qua, Mỹ cùng Hàn Quốc, Nhật Bản thành lập một nhóm mới để giám sát tuân thủ trừng phạt, động thái mà Triều Tiên cáo buộc là hoàn toàn bất hợp pháp.

Nới lỏng trừng phạt

Lần cuối Hội đồng Bảo an áp đặt trừng phạt mới là tháng 12.2017. Hai năm sau, Nga cùng Trung Quốc đệ trình dự thảo nghị quyết nới lỏng trừng phạt nhằm khuyến khích Mỹ - Triều đàm phán. Tuy nhiên dự thảo không được đưa ra bỏ phiếu vì nhận rất ít sự ủng hộ.

Tháng 11.2021, Nga - Trung một lần nữa thúc đẩy nới lỏng trừng phạt với vài ngành công nghiệp quan trọng của Triều Tiên với lập luận giúp cải thiện đời sống của người dân nước này. Dự thảo đến nay vẫn chưa đưa ra Hội đồng Bảo an bỏ phiếu.

Sau đó Mỹ đề xuất siết chặt trừng phạt vì Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo, nhưng đều bị Nga - Trung phủ quyết.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lien-hop-quoc-co-the-lam-gi-neu-linh-trieu-tien-tham-chien-tai-ukraine-225226.html