Liên kết đào tạo nghề ở Nghệ An còn nhiều bất cập

Liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp được coi là một mối quan hệ 'cộng sinh': Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng đào tạo nghề, còn doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận lao động kỹ thuật tốt.

Nhưng thực tế tại Nghệ An hiện nay, việc liên kết này mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận lao động mà chưa có sự hợp tác đào tạo toàn diện, chuyên sâu, để nâng cao chất lượng "đầu ra" - người lao động.

Toàn tỉnh Nghệ An có 65 cơ sở GDNN, trong đó, 3 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 36 nghề cấp độ quốc gia. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo đã được quy hoạch và phát triển tương đối hợp lý với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thị trường sử dụng lao động. Ngoài các ngành, nghề truyền thống, các nghề trong lĩnh vực công nghệ mới và dịch vụ cũng phát triển mạnh, như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật lắp đặt điện, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, may và thiết kế thời trang, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, gia công và thiết kế sản phẩm mộc... Hình thức đào tạo được tổ chức linh hoạt, đa dạng như: Đào tạo chính quy tại cơ sở GDNN, đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản; liên kết đào tạo tại các doanh nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Phát triển nhiều ngành, nghề đào tạo đòi hỏi các cơ sở GDNN phải liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng "đầu ra". Trường Cao đẳng Việt Đức (Nghệ An) có 11 ngành, nghề đào tạo nên phải liên kết với nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Những năm qua, sự hợp tác chặt chẽ của nhà trường với các doanh nghiệp đã giúp sinh viên, học viên được học tập, trải nghiệm thực tế nên chất lượng tay nghề được nâng cao, tỷ lệ học viên ra trường xin được việc làm đạt 90%.

 Giờ học thực hành module chẩn đoán kỹ thuật ô tô tại Trường Cao đẳng Việt Đức (Nghệ An).

Giờ học thực hành module chẩn đoán kỹ thuật ô tô tại Trường Cao đẳng Việt Đức (Nghệ An).

Tuy vậy, hiện nay, công tác ký kết giữa nhà trường với doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận lao động mà chưa chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu; doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp với các trường trong việc biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo “ăn khớp” với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Đa phần, doanh nghiệp đang cần số lượng lao động cho một vài ngành nghề nên mới tiếp nhận học viên, sinh viên để sử dụng lao động. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức, cho hay: “Doanh nghiệp chỉ thực sự muốn kết nối với nhà trường khi họ “khát” lao động. Hy hữu, một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu thì họ sẽ bố trí các nhà quản lý, kỹ sư đầu ngành để hướng dẫn. Còn lại, các doanh nghiệp và nhà trường chỉ hợp tác sử dụng lao động”.

Việc mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo của nhà trường về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là phía doanh nghiệp không bố trí được người để cùng đào tạo; nhà trường chỉ đưa sinh viên vào, các lao động trong công ty sẽ kèm cặp nhưng không lên lớp bài bản được. Theo phản ánh từ các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc liên hệ cho sinh viên vào các doanh nghiệp học tập thực tế rất khó khăn. Trừ những doanh nghiệp đang cần lao động, hoặc một số doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết, kết nghĩa với nhà trường; còn lại, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn từ chối. Nhà trường phải vận dụng mối quan hệ cá nhân để sinh viên được vào các doanh nghiệp học tập, trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp.

Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA là một trong những doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết thường niên với các cơ sở GDNN tại Nghệ An, mỗi năm tiếp nhận 150-200 học viên đến học thực hành và trải nghiệm thực tế, "đóng vai" như người lao động của công ty. Đặc biệt, thu nhập của học viên sẽ được trả tương đương 90% lương của lao động chính thức, được hưởng các chế độ dành cho người lao động. Tuy nhiên, ông Văn Việt Hưng, Phó trưởng phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA cũng cho biết: “Có thời điểm, nhà trường đề nghị cho học viên thực tập thì công ty lại rất nhiều dự án cần hoàn thiện nên không bố trí được người giảng dạy. Ngoài ra, do không cùng nhau xây dựng giáo án dạy nên chương trình đào tạo của nhà trường chưa khớp với yêu cầu của doanh nghiệp, bởi vậy, khi tiếp nhận lao động, công ty mất từ 7 đến 10 ngày để tập huấn, đào tạo cho phù hợp với công việc tại công ty”...

Tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế-Kỹ thuật số 1, việc liên kết đào tạo cũng chỉ là nhà trường tự tìm đến các doanh nghiệp để “xin” cho sinh viên vào học tập, thực tập. Ông Nguyễn Thọ Quang, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu có sự tham gia của doanh nghiệp chuyên sâu hơn vào công tác đào tạo thì chương trình học sẽ sát với thực tế. Chẳng hạn như ngành công nghệ ô tô, nhà trường không thể am hiểu và cập nhật nhanh các công nghệ, các dòng xe mới để đưa vào giáo án giảng dạy, vì thế cần phải có doanh nghiệp, các kỹ sư đầu ngành của từng công ty, hãng xe hướng dẫn, truyền đạt. Nếu doanh nghiệp cùng tham gia vào chương trình giảng dạy, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay học viên sau khi ra trường mà không mất thời gian để đào tạo thêm”.

Được biết, Nhà nước đã có quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, được quy định tại một số văn bản, như Thông tư số 29/2017/TT-BLÐTBXH ngày 15-12-2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để quy định trách nhiệm của doanh nghiệp phải hợp tác sâu hơn, tham gia vào quá trình đào tạo với nhà trường.

Để việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp có hiệu quả, đi vào chiều sâu, chất lượng thì cần phải tìm được “tiếng nói chung” lợi ích giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo; chủ động đặt vấn đề ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp có cùng ngành, nghề. Có như vậy, công tác đào tạo nghề mới hiệu quả, xây dựng được nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lien-ket-dao-tao-nghe-o-nghe-an-con-nhieu-bat-cap-636030