Liên kết để phát triển bền vững
Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.
Sau những cái bắt tay
Trong không gian nhà xưởng rộng rãi, thoáng đãng, 21 thành viên của THT xưởng may Diệu Khánh (phường Thủy Vân, TP. Huế) lúc nào cũng làm việc hăng say, tích cực. Chị Đỗ Thị Bích Thảo, thành viên THT chia sẻ: Khi thành lập THT, chị em không những cùng nhau làm việc, chia sẻ kinh nghiệm may cho nhau mà cùng nhau tìm kiếm nguồn hàng, đầu ra cho sản phẩm. Các thành viên THT luôn gắn kết, cùng nhau xây dựng môi trường làm việc lành mạnh để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi tham gia THT, Hội LHPN phường đã trao tặng thẻ bảo hiểm tai nạn cho chúng tôi, đó cũng là sự động viên, khích lệ để chị em hội viên hăng say lao động, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Chị Huyền Tôn Nữ Anh Thảo, Tổ trưởng THT cho biết: Từ khi thành lập THT, các thành viên đều cùng nhau thực hiện những cam kết trong quá trình lao động, sản xuất, sẵn sàng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao tay nghề mỗi ngày. Khi tay nghề được nâng cao, chắc chắn hiệu quả kinh tế cũng sẽ nâng lên. Mô hình THT hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương, giúp các hộ sản xuất nhỏ lẻ, các thành viên liên kết lại, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật và ổn định đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển thành mô hình kinh tế HTX, nòng cốt của kinh tế tập thể.
Sau thời gian tuyên truyền, vận động, những phụ nữ bán đậu hũ trước cổng chùa Thiên Mụ, phường Hương Long, TP. Huế, đã tham gia “Tổ liên kết đậu hũ Hương Long” (gọi tắt là TLK) do Hội LHPN phường thành lập. Các thành viên cùng được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề và thường xuyên được chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự cũng như được hỗ trợ vay vốn mua sắm dụng cụ để phục vụ buôn bán.
Chị Phan Thị Ngọc Anh (phường Hương Long) cho biết: Từ ngày tham gia TLK, mỗi hội viên chúng tôi được trang bị một xe bán hàng, được tặng chén, đồng phục. Tôi cũng được Hội LHPN phường tạo điều kiện vay vốn không lãi để đầu tư thêm dụng cụ buôn bán. Giờ đây, chúng tôi mỗi người đứng bán ở mỗi vị trí cố định nên không còn hiện tượng giành giật khách. Để công bằng, mỗi tháng, chúng tôi được bốc thăm vị trí một lần. Chúng tôi cũng được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để ứng xử văn minh với du khách, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Huế.
Bà Võ Thị Yến My, Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Long cho hay: 17 hội viên phụ nữ bán đậu hũ trước cổng chùa Thiên Mụ không chỉ là hội viên phụ nữ ở phường, mà còn ở những địa phương khác đến nên việc quản lý rất khó. Khi buôn bán tự do, các chị thường chèo kéo, giành giật khách hàng, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương. Mô hình “TLK đậu hũ Hương Long” được thành lập đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong quá hoạt động buôn bán cũng như gắn kết trong hội viên phụ nữ; cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong kỹ năng buôn bán, nâng cao chất lượng hương vị món ăn. Hiệu quả mô hình sẽ thu hút thêm các thành viên khác tham gia, góp phần giải quyết thêm việc làm, tạo ra nguồn thu ổn định cho hội viên phụ nữ.
Nhiều hỗ trợ
Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin: Những năm qua, các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình kinh tế tập thể (HTX, THT, TLK) do phụ nữ tham gia quản lý điều hành, tạo nhiều việc làm cho phụ nữ. Nhận thức của phụ nữ về hợp tác, liên kết để cùng phát triển đã có những thay đổi, thể hiện qua số lượng mô hình kinh tế tập thể tăng và hoạt động từng bước ổn định. Chỉ hơn 2 năm trở lại đây, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập 131 TLK, 16 THT, 4 HTX, 19 mô hình sinh kế - phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, chế biến sản phẩm truyền thống, hữu cơ, an toàn.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ HTX, THT kiến thức, kỹ năng vận hành mô hình kinh tế tập thể cho cán bộ hội các cấp, các tổ nhóm sinh kế; tổ chức các hội chợ, hội thảo giới thiệu sản phẩm giúp HTX, THT, TLK mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên được hỗ trợ vay vốn, thụ hưởng các chính sách về thuế, địa điểm sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, phương tiện, công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn OCOP... Hội cũng liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, tạo liên kết theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm đặc sản truyền thống...