Liên kết kinh tế các vùng miền: Vẫn chờ vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn

Một trong những mặt hạn chế của liên kết kinh tế giữa các vùng miền là dấu ấn, vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy hợp tác chưa thực sự nổi bật, dẫn đến việc chưa tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này rất cần được sớm khắc phục, chờ cái bắt tay chặt hơn của các 'ông lớn', đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết lớn nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng hóa trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết hiện nay ở Quảng Ngãi có một công ty làm nội thất xuất 140 container/ngày nhưng phải chở ra Đà Nẵng, mất thêm 4,5 triệu đồng/container.

Mặt hạn chế cần sớm khắc phục

Vì vậy, theo ông Dương, quy hoạch cảng biển miền Trung không nên tập trung vào một chỗ, mà hướng về phía Tây, qua Lào, Campuchia, để cả dãy miền Trung, tất cả cảng biển vẫn có thể hoạt động tốt.

Trong kết nối cung cầu hàng hóa ở các vùng miền rất cần vai trò, dấu ấn của các DN lớn trong việc thúc đẩy hợp tác nhằm tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các DN vừa và nhỏ.

Trong kết nối cung cầu hàng hóa ở các vùng miền rất cần vai trò, dấu ấn của các DN lớn trong việc thúc đẩy hợp tác nhằm tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các DN vừa và nhỏ.

“Rất mong Bộ GTVT và Chính phủ xem xét lại những thay đổi lớn này để có thể điều chỉnh nâng cấp cảng. Chúng tôi làm cảng tư nhân thì không dại gì đầu tư lớn nếu không có hiệu quả”, Chủ tịch Thaco bộc bạch.

Cũng theo ông Dương, vừa rồi doanh nghiệp (DN) có triển khai 2 dự án BOT và hứa sẽ cố gắng thực hiện những dự án này. Làm được sẽ kết nối 3 vùng: Bắc Campuchia, cao nguyên về miền Trung, trong đó có Chu Lai, Quy Nhơn; Nam Lào, Kon Tum về Chu Lai; và các tỉnh lân cận từ Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Có thể thấy, việc một DN lớn như Thaco tâm huyết với kết nối vùng, tăng liên kết vùng để tạo thuận lợi cho việc khơi thông hàng hóa là rất đáng khích lệ. Điều này cũng cần được lan tỏa đến các DN lớn khác trong nước nhằm thể hiện vai trò dẫn dắt các DN vừa và nhỏ trong liên kết kinh tế vùng miền.

Còn trên thực tế, vai trò dẫn dắt của các DN lớn trong liên kết kinh tế các vùng miền vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Như lưu ý của ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), khi nói về việc liên kết giữa Tp.HCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2023 - 2024, đó là “vai trò của các DN, đặc biệt là các DN lớn, trong việc thúc đẩy hợp tác chưa thực sự nổi bật, dẫn đến việc chưa tạo được hiệu ứng khuyến khích cho các DN vừa và nhỏ”.

Và mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ băn khoăn về hoạt động của các DN lớn vẫn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ. Các DN lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các DN vừa và nhỏ và nền kinh tế.

Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy được vai trò dẫn dắt của DN lớn trong liên kết các vùng miền? Thực tế, câu hỏi này cũng nhằm phản ánh sự kỳ vọng rằng DN lớn sẽ đóng góp tích cực hơn cho liên kết vùng nhằm mang lại những kết quả cụ thể hơn, thiết thực hơn.

Chẳng hạn như về vấn đề dẫn dắt của DN lớn về xanh hóa chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế vùng miền, Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng và logistics, đã đưa dẫn chứng việc VinEco đã đầu tư vào các nông trại ở Quảng Ninh và Hà Nam, nâng cao năng lực của nông dân thực hành canh tác xanh để phân phối rau xanh và sạch cho khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Theo ông Hùng, những DN lớn như vậy đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh, cung cấp kiến thức, thông tin cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình tài chính xanh.

Chờ cú bắt tay chặt chẽ hơn của các “ông lớn”

Như chia sẻ của Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, DN đứng đầu chuỗi cung ứng thường là các tập đoàn lớn với nhiều nguồn lực hoặc khả năng tiếp cận chương trình đầu tư tốt hơn. Do vậy, họ có thể hỗ trợ các công ty nhỏ hơn (các nhà sản xuất địa phương) đối mặt với thách thức về chi phí thực hiện chuyển đổi xanh.

Hoặc đứng ở góc độ địa phương, khi đề xuất cho việc tăng tính liên kết với một thành phố lớn như Tp.HCM trong kết nối cung cầu hàng hóa, một lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình bày tỏ là mong muốn được hỗ trợ kết nối giữa DN, HTX của tỉnh và DN, HTX của Tp.HCM trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là làm nhà phân phối hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP mang tính đặc sản, thương hiệu vào các HTX, DN lớn như Saigon Co.op, hệ thống siêu thị trên địa bàn Tp.HCM, Big C, WinMart…

Hay như để nâng cao thương hiệu và giá trị xuất khẩu (XK) cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đã chỉ rõ một trong những mặt hạn chế là cơ sở hạ tầng logistics vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa được các DN trong Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chú tâm. Bên cạnh đó, khâu chế biến và tiêu thụ rất cần sự gắn kết chặt chẽ từ DN sản xuất chế biến cho đến các thương nhân phân phối tiêu thụ, thế nhưng ngay cả việc tiêu thụ ở thị trường trong nước hay XK vẫn còn nút thắt, chưa có sự liên thông.

Theo vị Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để nâng cao hiệu quả XK hàng hóa của vùng ĐBSCL thì một trong những giải pháp cần làm là phải xây dựng được chuỗi liên kết lớn để đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa XK, cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hơn nữa, nếu muốn phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cũng cần có sự liên kết.

Ngoài ra, dẫn chứng cho tính cần thiết của DN lớn trong kết nối cung cầu giữa các vùng miền, ông Toản cho biết thời gian vừa qua, 5 tỉnh, thành phố lớn là Tp.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng thường xuyên có những kết nối, tổ chức nhiều ký kết để đưa các sản phẩm của địa phương tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị lớn.

Đơn cử như Tp.HCM vào cuối tháng 9/2024 đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành với sự tham gia của hơn 2.000 DN đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Việc tổ chức các hội nghị, hội chợ và sự kiện kết nối cung - cầu giữa các vùng miền đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và gia tăng mối liên kết giữa các DN. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, rất cần dấu ấn của các “ông lớn” DN trong việc “bắt tay” chặt chẽ hơn trong liên kết vùng với các DN vừa và nhỏ khi mà khối DN nhỏ ở vẫn còn phải “tự bơi” trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa của mình.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lien-ket-kinh-te-cac-vung-mien-van-cho-vai-tro-dan-dat-cua-cac-doanh-nghiep-lon-1102736.html