Liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL

Hội nghị thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra vào ngày 4-7, tại TP. Cần Thơ, do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong nửa cuối năm 2020, nhằm tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong phát triển du lịch. Tham dự có lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Tổng cục Du lịch và 200 doanh nghiệp du lịch của 14 đơn vị. Về phía tỉnh Sóc Trăng, tham dự hội nghị có đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bên trái) giới thiệu đặc sản gạo ST của Sóc Trăng. Ảnh: Thạch Pích

Đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bên trái) giới thiệu đặc sản gạo ST của Sóc Trăng. Ảnh: Thạch Pích

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương và phát huy thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch của vùng và thương hiệu du lịch vùng, tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch các địa phương trong liên kết cũng như sức hấp dẫn của du lịch vùng với các quốc gia trong khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy ngành du lịch chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các tỉnh, thành và hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa các sở văn hóa - thể thao và du lịch và sở du lịch, các tỉnh, thành trong liên kết đã tổ chức thực hiện các nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng, trong đó, tập trung cho các vấn đề về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của thỏa thuận, xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đã đạt được một số kết quả cụ thể. Theo đó, tổ chức Hội nghị kết nối chương trình kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2019 nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong 6 tháng cuối năm 2020, với 3 chương trình du lịch: những nẻo đường phù sa; sắc màu vùng biên; non nước hữu tình. Các doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ TP. Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của từng địa phương trước khi diễn ra hội nghị. Ảnh: Thạch Pích

Trong 6 tháng đầu năm, 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã khai thác thành công các chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Liên kết cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và miền Trung vào với vùng ĐBSCL. Khách du lịch đến ĐBSCL trong 2 tháng không chịu tác động của dịch đạt 12,9 triệu lượt, tăng khoảng 14% (so với 2 tháng cùng kỳ), trong đó số lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL đạt 436.890 lượt, số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt. Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL chỉ đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Để triển khai Kế hoạch số 840/KH-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh (tháng 3-2020) về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp triển khai đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến khu vực này trong nửa cuối năm”. Trong khi đó, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du ngoạn Việt đánh giá: “ĐBSCL không chỉ là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn cần được khai thác mà còn là thị trường cung cấp nguồn khách lớn cho du lịch TP. Hồ Chí Minh khi đời sống, thu nhập của người dân ngày càng tăng. Do đó, liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp trong ngành du lịch tạo ra sản phẩm mới, tour, tuyến mới hấp dẫn… là cần thiết. Sau dịch Covid-19, khách nội địa là nguồn khách quan trọng với tất cả mọi điểm đến nên thúc đẩy kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL cũng như địa phương khác là cần thiết”.

Đồng chí Ngô Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thạch Pích

Đồng chí Ngô Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thạch Pích

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Hùng - đại diện Cụm phía Tây ĐBSCL nhấn mạnh: “Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số khách đến tham quan du lịch tại 7 tỉnh, thành phía Tây ĐBSCL đạt gần 9,9 triệu lượt khách, trong đó, có gần 290.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 8.900 tỉ đồng. Về quảng bá xúc tiến du lịch, các địa phương trong Cụm phía Tây và TP. Hồ Chí Minh đã xúc tiến xây dựng thương hiệu du lịch chung, xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn famtrip, presstrip tại các địa phương, chia sẻ các thông tin, bài viết về tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, tuyến du lịch; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực và TP. Hồ Chí Minh…”.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trao tặng quà cho Ban điều phối các tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: Thạch Pích

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trao tặng quà cho Ban điều phối các tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: Thạch Pích

Liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch, trở thành đòn bẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP. Hồ Chí Minh vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2020, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung để quảng bá, giới thiệu du lịch; tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối; phối hợp xây dựng phim quảng bá chung về liên kết phát triển du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch

Thạch Pích

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/lien-ket-phat-trien-du-lich-giua-tp-ho-chi-minh-va-dbscl-39953.html