Liên thông dữ liệu để 'cởi trói' kiểm tra chuyên ngành
Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa là một trong những chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt trong vấn đề cải cách thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành nhằm thúc đẩy các mục tiêu trên và đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn 'vướng'.
Đã chuyển biến rõ rệt
Thời gian gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Các bộ, ngành cần quyết liệt vào cuộc
Để rút ngắn thời gian kiểm tra, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, rất cần sự vào cuộc của không chỉ ngành Hải quan, mà cả các bộ, ngành liên quan. Sự phối hợp này nhằm nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục; cắt giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội quốc gia.
Theo ông Vũ Ngọc Tài - Công ty TNHH thương mại Hào Phát, trước kia thủ tục hầu như thực hiện bằng giấy, nên thời gian chờ đợi cấp phép và làm thủ tục kéo dài. Từ khi các bộ, ngành liên thông và làm thủ tục bằng điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng tươi sống như Hào Phát.
Với vai trò là đơn vị thường trực của Ủy ban 1899 (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại), ngành Hải quan cũng đã có nhiều đóng góp rõ nét trong việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Ông Nguyễn Thế Việt - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu, đề xuất, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại các giai đoạn; cũng như xây dựng kế hoạch để triển khai cụ thể”. Có thể nói, hệ thống văn bản về kiểm tra chuyên ngành đã có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, theo thống kê, có khoảng 400 văn bản pháp quy đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Vướng câu chuyện “liên thông”
Dù vậy, các thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được các doanh nghiệp đánh giá rằng vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều thách thức từ tình hình thế giới và trong nước đã khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”.
Đưa ra một số vướng mắc cụ thể, đại diện Công ty TNHH Hào Phát ví dụ: Mặt hàng của doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) và Bộ Công thương (đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nên hồ sơ, giấy tờ đều phải đẩy 2 lần với các nội dung tương tự như nhau. Không chỉ mất thời gian đẩy một dữ liệu nhiều lần, mà có lúc hệ thống quá tải, hoặc bị lỗi dẫn đến việc cấp phép mất rất nhiều thời gian.
Ví dụ thêm, ông Phạm Văn Hanh - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh cho hay, nhiều bộ, ngành đã triển khai thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên hệ thống một cửa quốc gia. Nhưng qua theo dõi hiện nay, vẫn còn một số mặt hàng thực phẩm như: dầu ô liu, gạch ốp lát phải thực hiện thủ tục giấy, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài từ 3-5 ngày. Trong khi đó, thời gian là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, thời gian thông quan hàng hóa thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại nằm ở các bộ, ngành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một trong số đó là do chuyển đổi số chưa đồng bộ.
Ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cần phải thay đổi các quy định pháp lý hiện nay để chấp nhận bản số thay vì các bản dạng giấy hoặc bản scan. Quan trọng hơn là, các đơn vị ngoài hải quan cũng phải thực hiện việc chuyển đổi này. Đây là một quá trình tiến lên đồng bộ nên đặt ra yêu cầu phải thay đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Không chỉ vậy, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành vẫn còn thiếu và yếu. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Điều này bắt nguồn từ việc chưa có quy định về kết nối liên thông các kho dữ liệu số quốc gia để hình thành kho dữ liệu tập trung, hình thành cơ chế một cửa duy nhất trong truy cập và khai thác dữ liệu. Bên cạnh đó là sự thiếu thống nhất về hệ thống của các bộ, ngành.
Với vai trò là đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống một cửa quốc gia, là đơn vị gác cửa của nền kinh tế, ngành Hải quan đang tiếp tục đề ra những hướng đi cụ thể nhằm cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Về pháp lý, ông Nguyễn Thế Việt chia sẻ, Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào chương trình dự kiến sửa đổi quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Việc sửa đổi này tiến đến vận hành Hệ thống một cửa quốc gia liên thông với hệ thống quản lý của cơ quan hải quan, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
ÔNG ĐẬU ANH TUẤN - PHÓ TỔNG THƯ KÝ, TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ (LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM): Vẫn còn “một cửa, nhiều ngách”
Một lô hàng nhập khẩu về Việt Nam, nếu liên quan đến 4 bộ, ngành mà doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ 1 lần đã có thể chuyển thông tin tới cả 4 bộ, ngành thay vì phải nộp 4 lần đến 4 nơi với 4 định dạng khác nhau thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng, đáng tiếc là Cổng thông tin một cửa quốc gia hiện nay vẫn là “một cửa nhiều ngách”.
Mỗi bộ, ngành vẫn vận hành theo một kênh riêng. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành chưa thực sự thuận lợi, dễ dàng. Cần có cơ chế nào đó để đánh giá một cách kỹ lưỡng và khách quan, vì lợi ích của nền kinh tế và quốc gia hơn để xử lý triệt để vấn đề này.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
TS. NGUYỄN MINH THẢO - TRƯỞNG BAN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG): Có cơ sở dữ liệu riêng nhưng khó chia sẻ
Có thể nói chúng ta đã tiệm cận được với các xu hướng quản lý của thế giới. Việc cải cách trong quản lý kiểm tra chuyên ngành có thể được ghi nhận như một điểm sáng. Tuy nhiên, vẫn chưa có một tiêu chuẩn hay quy chuẩn thống nhất nào trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Chính vì thế, các bộ, ngành hoặc các cơ quan quản lý nhà nước đều có cơ sở dữ liệu riêng của mình nhưng không kết nối, không thể chia sẻ được với nhau.
Hiện nay, các bộ, ngành đã triển khai hoạt động số hóa thì việc nâng cao năng lực công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cũng cần phải nâng lên đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, kỳ vọng của doanh nghiệp…