Liên tiếp tai nạn trên cao tốc, ngăn cách nào?

Những tháng đầu năm 2023 liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên các tuyến đường cao tốc.

Vậy giải pháp nào để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này?

Báo động TNGT trên cao tốc

Hiện trường tai nạn giữa 2 ô tô trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai làm 4 người bị thương ngày 25/2

Hiện trường tai nạn giữa 2 ô tô trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai làm 4 người bị thương ngày 25/2

Sáng 25/2, tại Km10 tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, xe tải chở 2 anh em trai là Hà Văn Nhu (SN 1983) và Hà Văn Thứ (SN 1988) lưu thông theo chiều Bắc - Nam, bất ngờ đâm vào đuôi xe tải đang dừng đỗ khiến anh Thứ bị đa chấn thương, anh Nhu bị gãy chân.

Tại nhiều nước trên thế giới, hệ thống camera giám sát được lắp đặt để phạt nguội những xe vi phạm giao thông (chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng quy định…). Dọc đường cao tốc, các trạm dừng chân cũng được xây dựng với mật độ cao để tài xế có thể nghỉ ngơi, giảm căng thẳng. Nếu có tai nạn hoặc xe bị sự cố, đơn vị quản lý sẽ nhanh chóng có mặt nhờ hệ thống thông tin, camera giám sát, để phân luồng tránh tai nạn và ùn tắc xảy ra.

TS. Nguyễn Phước Quý Duy, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 22h tối 12/2, xe tải chở kính cường lực BKS 29H-568.92 lưu thông hướng Bắc - Nam bất ngờ đâm trực diện vào xe khách giường nằm BKS 36B-027.70, chở theo hơn 10 hành khách di chuyển hướng ngược lại khiến tài xế xe tải mắc kẹt trong cabin, nhiều người khác la hét hoảng loạn.

Đáng chú ý, khoảng 1h20 ngày 2/2, tại Km 40+60m tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc khu vực Tiền Giang, xe khách 16 chỗ BKS 67F-001.06 đang lưu thông hướng Vĩnh Long đi TP.HCM đâm vào đuôi xe container BKS 50H-059.18 khiến tài xế xe khách tử vong tại chỗ, 3 hành khách khác tử vong khi đang điều trị tại bệnh viện.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng chục vụ TNGT xảy ra trên cao tốc trong 2 tháng đầu năm. Đa phần các vụ tai nạn trên chủ yếu xảy ra ở các tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích, các tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua tỉnh Yên Bái, Lào Cai) chỉ có 2 làn xe, chưa có dải phân cách cứng ở giữa và làn dừng khẩn cấp.

Trong điều kiện lưu lượng phương tiện tăng cao, yếu tố này làm ảnh hưởng đến khả năng phán đoán tình huống, duy trì tốc độ an toàn của xe.

“Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng điều kiện hạ tầng cũng là một trong những yếu tố gây ra TNGT, đặc biệt tại các tuyến cao tốc, đòi hỏi phải hoàn thiện về hạ tầng”, ông Công nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho rằng, TNGT xảy ra do tác động đồng thời của nhiều yếu tố, trong đó có cơ sở hạ tầng và người điều khiển phương tiện.

Tuy nhiên, hiện nay, một số tuyến đường cao tốc tại Việt Nam cho phép chạy tốc độ cao nhưng chưa đảm bảo điều kiện khai thác tốt nhất cũng khiến việc di chuyển gặp nhiều rủi ro.

Việc chưa đủ số làn xe lớn nhất nên không phát huy được tính năng tốc độ cao của phương tiện và tăng rủi ro khi tăng tốc vượt; Cùng đó, do chưa có làn dừng khẩn cấp, chỉ có phân làn bằng vạch sơn nên cũng tăng nguy cơ va chạm đối đầu trực tiếp.

Hoàn thiện hạ tầng, tăng xử phạt để răn đe vi phạm

Hiện trường xe tải và xe khách đối đầu trực diện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 12/2

Hiện trường xe tải và xe khách đối đầu trực diện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 12/2

Theo TS. Nguyễn Phước Quý Duy, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, vi phạm của người lái xe là nguyên nhân của 90% số vụ TNGT. Hạ tầng giao thông chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.

Dù lưu thông trên đường cao tốc không có dải phân cách, không có làn dừng khẩn cấp, người lái xe vẫn phải tuân thủ Luật GTĐB như: Không được vượt phải, không chạy lấn làn, không chạy quá tốc độ, phải giữ khoảng cách an toàn giữa các xe. Khi lái xe tuân thủ, tai nạn sẽ không xảy ra.

TS. Duy cho rằng, cần tăng cường hệ thống camera để giám sát, phạt nguội những trường hợp vi phạm, đồng thời phát hiện sớm những sự cố trên đường để điều động lực lượng chức năng có mặt nhanh chóng.

Ngoài ra, cần phân luồng xe theo tốc độ, những xe chạy tốc độ thấp chỉ cho phép di chuyển ở làn bên phải. Những xe chạy tốc độ cao cho phép đi ở những làn bên trong gần dải phân cách.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về việc di chuyển trên cao tốc.

Trong đó, người lái xe cần đảm bảo tốc độ cho phép, tránh vượt ẩu; duy trì khoảng cách an toàn và đảm bảo phương tiện vận hành tốt nhất, đặc biệt phải quan tâm đến áp suất lốp.

Cũng theo TS. Tạo, cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc tuân thủ tốc độ của lái xe trên cao tốc, nghiên cứu mức xử phạt nặng hơn nếu chạy quá tốc độ trên cao tốc so với các tuyến đường khác. Bởi, tốc độ cho phép di chuyển trên cao tốc vốn đã cao, nếu vượt quá và gặp tình huống bất ngờ sẽ rất khó xử lý.

Thượng tá Phạm Việt Công cũng cho rằng, để đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc, về lâu dài cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, buộc phải có làn dừng khẩn cấp cho các phương tiện cứu hộ di chuyển, các xe hư hỏng dừng đỗ an toàn; lắp đặt dải phân cách cứng, biển báo tốc độ để người dân nhận biết và chủ động xử lý các tình huống giao thông.

Đối với các tuyến cao tốc có mật độ tham gia giao thông lớn cần chú trọng công tác bảo dưỡng, duy tu mặt đường.

“Cùng đó, cần tăng cường lắp đặt và xử lý vi phạm nguội qua hệ thống camera giám sát kết hợp xử lý trực tiếp trên đường để tăng thêm tính răn đe”, ông Công nói.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/lien-tiep-tai-nan-tren-cao-toc-ngan-cach-nao-d584173.html