Liệt sĩ Trần Văn Sắc và con đường mang tên ông

Khi nhắc đến tên liệt sĩ Trần Văn Sắc thì không quá xa lạ với người dân Sóc Trăng vì tên ông được đặt cho một trong những con đường tại TP Sóc Trăng. Đây là một trong những con đường chính dẫn đến Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh - nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Sóc Trăng.

Đường Trần Văn Sắc, TP. Sóc Trăng nhìn từ hướng đường Trần Hưng Đạo

Đường Trần Văn Sắc, TP. Sóc Trăng nhìn từ hướng đường Trần Hưng Đạo

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, đường Trần Văn Sắc rất khang trang, sạch đẹp, vỉa hè lát gạch, hai bên ven đường cây xanh rợp bóng. Đi trên con đường này, nhiều người rất muốn biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của người mang tên Trần Văn Sắc nhưng nguồn tư liệu chưa được phong phú. Trong tháng 7-2019, Tòa soạn Báo Sóc Trăng (tọa lạc trên đường Trần Văn Sắc) nhận được bức thư của ông Trần Tử Trung, con trai liệt sĩ Trần Văn Sắc, phần nào giải đáp thắc mắc của mọi người về người chiến sĩ cách mạng trung kiên, anh hùng.

Đường Trần Văn Sắc, TP. Sóc Trăng dẫn vào Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh rất khang trang, sạch đẹp. Ảnh: N.H

Đường Trần Văn Sắc, TP. Sóc Trăng dẫn vào Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh rất khang trang, sạch đẹp. Ảnh: N.H

Ông Trần Văn Sắc vốn là họa sĩ, là chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930. Tên thật của ông là Trần Văn Nghiêm, ông sinh ngày 27-10-1911, quê quán tại Trường Long, Cần Thơ. Năm ông 20 tuổi (năm 1931), ông là học sinh trường Họa – Gia Định, tham gia phong trào cách mạng. Ngày 1-4-1931, ông bị địch bắt tại trụ sở Ấn loát của Xứ ủy Nam Kỳ (tại Chợ Lớn) cùng với 3 đảng viên cộng sản: Ung Văn Khiêm, Phan Hữu Trinh, Lê Hiên. Hơn 1 năm sau đó (ngày 13-4-1932), ông được địch thả ra.

Liệt sĩ Trần Văn Sắc.

Liệt sĩ Trần Văn Sắc.

Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị mật thám Pháp nhận xét là một trong số những nhà hoạt động tích cực ở Long Xuyên và Cần Thơ. Ông đã từng thọ giáo cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) vào năm 1928 khi tham gia Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ngày 27-11-1938, Hội nghị tổ chức tại Chợ Gạo, Mỹ Tho để bầu Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, ông là một trong số 11 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ.

Tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Trần Văn Sắc.

Tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Trần Văn Sắc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã từng nhiều lần bị địch bắt giam. Ông là tác giả của tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi đồng bằng sông Cửu Long”, vẽ năm 1930.

Được biết, tại TP. Cần Thơ, có một con đường mang tên liệt sĩ Trần Văn Sắc. Con đường này được đặt tên ông vào năm 2014, theo Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND, ngày 5-12-2014 của HĐND TP. Cần Thơ về đặt tên đường và công trình công cộng. Trước đây, con đường trên được gọi là đường số 1, khu dân cư Nông Thổ sản (giáp khu dân cư Diệu Hiền, đường vào Cục Thi hành án dân sự thành phố), đoạn đường có giới hạn từ đường Võ Nguyên Giáp - giáp Dự án Khu hành chính quận Cái Răng, phường Phú Thứ. Và ở Đền thờ Bến Dược, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, bên trong đền, sắp thành hàng trên tường, đến nay có trên 44.700 tấm bia bằng đá hoa cương, trên mỗi tấm bia, thân thế liệt sĩ được trân trọng khắc ghi tóm tắt bằng chữ vàng, trong đó có tên liệt sĩ Trần Văn Sắc.

Liệt sĩ Trần Văn Sắc là nhà cách mạng chuyên nghiệp, được Tổ quốc ghi công, góp công sức và hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do, ông đã đóng góp một viên gạch hồng xây dựng nên tượng đài Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc” do Bác Hồ ban tặng.

Trần Tử Trung

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/liet-si-tran-van-sac-va-con-duong-mang-ten-ong-29329.html