Liệu có quyết định bất ngờ?
OPEC+ sẽ họp vào 4.6 để thảo luận về sản lượng dầu. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là, liệu OPEC sẽ quyết định giữ sản lượng ổn định hay thực hiện cắt giảm hơn nữa trong năm nay?
Lực lượng có khả năng kiểm soát giá dầu
Nhiều quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Đó là 13 quốc gia gồm Algeria, Angola, Congo, Guinea Xích đạo, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Venezuela. Vào năm 2016, OPEC tiếp tục liên minh với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khác không thuộc OPEC là Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Nam Sudan và Sudan để thành lập một thực thể thậm chí còn hùng mạnh hơn có tên là OPEC+. Mục tiêu của tổ chức này là kiểm soát giá của nhiên liệu hóa thạch quý giá được gọi là dầu mỏ. Theo số liệu năm 2021 từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, OPEC+ kiểm soát khoảng 40% nguồn cung dầu toàn cầu và hơn 80% trữ lượng dầu đã được xác minh. Vị trí áp đảo này bảo đảm rằng, liên minh có ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo Investing.com, vào ngày 2.4, OPEC+ từng khiến thị trường bất ngờ với thông báo rằng, một số quốc gia (Ảrập Xêút, Nga, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait, Oman, Algeria và Kazakhstan) sẽ cắt giảm sản lượng trên cơ sở tự nguyện vào tháng 5 và tháng 6. Điều này bổ sung thêm cho việc cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày cho tới cuối năm 2023, vốn đã được thống nhất vào đầu tháng 10.2022. Quyết định này đưa tổng sản lượng cắt giảm xuống 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 4% mức tiêu thụ toàn cầu. Thông báo bất ngờ vào tháng 4 đó đã đẩy giá dầu thô Brent chuẩn cao hơn khoảng 9 USD/thùng lên trên 87 USD trong những ngày sau đó, nhưng dầu Brent nay đã mất mức tăng đó để giao dịch dưới 73 USD, dưới áp lực từ những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu nhiên liệu
Trên thực tế, ngoài quyết định bất ngờ vào tháng 4, Nhóm OPEC đã nhiều lần gây bất ngờ cho thị trường trong những năm gần đây. Tháng 3.2020, OPEC từng từ bỏ hoàn toàn hạn ngạch sản xuất, châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu chưa từng có giữa Ảrập Xêút và Nga trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến giá dầu giảm 25%. Tuy nhiên sau đó, tổ chức này nhanh chóng thiết lập lại hạn ngạch với mức cắt giảm sản lượng lớn nhất cho đến nay là khoảng 10 triệu thùng/ngày, đã được thống nhất vào tháng 4.2020.
3 kịch bản tiềm năng
Mọi nhà sản xuất trong OPEC+ đều muốn thấy giá dầu cao hơn để tồn tại và thịnh vượng. Với giá dầu ở mức hiện tại, OPEC+ đang rơi vào tình thế khó khăn. Giá hiện nay không đủ thấp để thúc đẩy một quyết định giảm thêm sản lượng, nhưng không đủ cao để OPEC+ yên tâm về nguồn thu ngân sách”, ông Raad Alkadiri, CEO của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nhận định. Giá dầu Brent ở thị trường London giảm 17% trong sáu tuần qua và đang giao dịch ở mức gần 73 USD/thùng.
Lấy ví dụ ở Ảrập Xêút, về lý thuyết, giá dầu hòa vốn của nước này là 78 USD/thùng dầu Brent vào năm 2023. Trong khi đó, thu nhập chính của Ảrập Xêút phần lớn đến từ dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu, thậm chí đây cũng là nguồn tài trợ cho các dự án quan trọng trong nước, chẳng hạn như Dự án Neom (dự án đại đô thị trị giá khoảng 500 tỷ USD được công bố vào năm 2021). Mới đây, quan chức dầu mỏ của Ảrập Xêút cho rằng, hành vi đầu cơ tài chính, cụ thể là bán khống, là nguyên nhân khiến giá dầu giảm. Chính vì thế, giới quan sát thị trường dầu mỏ thế giới nhận định, có 3 kịch bản tiềm năng có thể xảy ra trong cuộc họp của OPEC+ cuối tuần này.
Kịch bản đầu tiên là OPEC+ không thay đổi chính sách hiện tại. Nghĩa là nhóm vẫn quyết định tiếp tục cắt giảm tự nguyện, tạo cơ hội cho Nga thực hiện đầy đủ các cam kết của mình và xem liệu nhu cầu xăng trong mùa Hè cao hơn cùng với việc cắt giảm tự nguyện được thực hiện đầy đủ có đẩy giá dầu lên hay không. Theo nhận định Ngân hàng HSBC, “OPEC+ sẽ chờ xem tác động của đợt cắt giảm mới nhất trước khi thực hiện thêm bất kỳ thay đổi nào lên nguồn cung”. HSBC dự kiến, với đợt cắt giảm hiện tại, theo đó là nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và phương Tây trở nên mạnh hơn từ giai đoạn mùa Hè trở đi, sẽ làm thắt chặt nguồn cung trong nửa cuối năm 2023.
Kịch bản tiếp theo là, OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng một cách ràng buộc, toàn diện. Các quốc gia tham gia cắt giảm tự nguyện sẽ duy trì các mức sản xuất đó, nhưng tất cả các quốc gia sản xuất khác sẽ cắt giảm sản lượng theo tỷ lệ nhỏ. Điều này có thể gây ra tăng giá nhẹ hoặc tạm thời khi thị trường mở cửa vì việc cắt giảm sản lượng trong giai đoạn nhu cầu cao theo mùa sẽ có nghĩa là giá cao hơn.
Kịch bản thứ ba là OPEC+ quyết định chấm dứt việc cắt giảm sản lượng tự nguyện hoặc tăng sản lượng cho tất cả các nhà sản xuất. Viễn cảnh đó sẽ khiến giá dầu giảm và không tiếp tục đạt được mục tiêu tăng giá của OPEC+ trong ngắn hạn, nhưng nó có thể giúp ích cho các nhà sản xuất OPEC+, ngoài Nga, trong dài hạn. Nga thậm chí sẽ phải giảm giá nhiều hơn cho dầu của mình, khiến doanh thu của nước này bị cắt giảm nhiều hơn, nhưng giá dầu toàn cầu thấp hơn có thể đóng vai trò như một hình thức kích thích kinh tế đối với một số nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, giá dầu toàn cầu giảm có thể thúc đẩy Chính phủ Mỹ mua một lượng lớn dầu để dự trữ kho dầu mỏ chiến lược (SPR), điều này sẽ làm tăng nhu cầu dầu toàn cầu. Kịch bản trên khó xảy ra nhất nhưng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi giới chức dầu mỏ Ảrập Xêút có xu hướng thực hiện các động thái gây ngạc nhiên tại các cuộc họp của OPEC.