Linh hoạt chính sách, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Dự thảo nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng hiện đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang được trình Chính phủ xem xét. Dự thảo này được đánh giá là rất cần thiết và được doanh nghiệp mong chờ để giải quyết những bất cập đang tồn tại.

Buôn bán càng phát triển - bất cập ngày càng lớn

Nhắc đến bất cập của hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua thương mại điện tử (TMĐT), không thể không nhắc đến sự “bất tiện” khi loại hàng này vẫn đang phải thực hiện chung thủ tục hải quan với hàng hóa XNK theo phương thức truyền thống.

Theo ghi nhận từ thực tế thông quan hàng hóa ở các đơn vị hải quan địa phương có thể thấy, theo quy định mỗi đơn hàng đều phải lập một tờ khai, bởi vậy một máy xay tỏi, một gói chun buộc tóc hoặc một chiếc ốp điện thoại muốn thông quan được trước hết đều phải lập một tờ khai hải quan. Thậm chí, những đơn hàng khách đặt gộp hàng chục sản phẩm khác nhau trong một đơn thì tờ khai hải quan lại không đủ chỗ để điền hết.

Theo bà Đặng Thị Bích Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Thần Tốc - đơn vị chuyên giao nhận và làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các sàn TMĐT, nếu hàng hóa truyền thống, mỗi ngày doanh nghiệp chỉ làm nhiều nhất là 5.000 tờ khai. Song, với hình thức TMĐT, số lượng tờ khai thực hiện có thể lên tới 10.000, thậm chí hàng trăm nghìn tờ khai. Điều này khiến doanh nghiệp cũng như công chức hải quan làm thủ tục rất vất vả.

Công chức hải quan cũng như doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử vẫn đang bị gộp chung. Ảnh: Vân Hồng

Một vấn đề khác phát sinh ở khâu soi chiếu, kiểm soát hàng hóa. Theo quy định hiện hành, hàng hóa TMĐT cũng phải kiểm tra thực tế, kiểm tra chuyên ngành giống như hàng XNK thông thường. Đặc biệt là tất cả đều phải được soi chiếu khi thông quan. Theo tính toán, trung bình, cơ quan hải quan phải mất 4 giờ mới soi hết 1 lô hàng. Thông thường mỗi công chức chỉ ngồi soi máy được 2 giờ thì phải đổi ca để bảo đảm độ minh mẫn, tránh để sót lọt hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, khi TMĐT nở rộ, hàng hóa tăng theo từng ngày, số lượng cán bộ hải quan lại không tăng trong nhiều năm nay, vì vậy, có một thực trạng là ca trực soi chiếu không được thay đổi mà cán bộ phải soi tới khi nào hết hàng mới được nghỉ. Có những ngày, những nơi, hai người phải soi tới hàng chục tấn hàng hóa.

Cũng phản ánh bất cập từ thực tế, một doanh nghiệp vận chuyển khác cho biết, công ty đã ký hợp đồng thực hiện dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cho các sàn TMĐT Lazada, Shopee... Theo đó, hàng hóa của các sàn trên được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển qua các chi cục hải quan cửa khẩu (như Chi cục Hải quan Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Móng Cái, Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ - Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài) về thực hiện thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh – Cục Hải quan Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian qua, các tuyến cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đóng do dịch Covid-19. Để hàng hóa không bị tồn đọng, các sàn đã phải chuyển hàng gửi qua đường hàng không tới TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục thông quan tại chi nhánh của công ty do Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Các vướng mắc khác đến từ việc khai báo, xuất trình chứng từ hàng hóa,… còn chưa dẫn chiếu tiêu chí cụ thể nên khó khăn khi thực hiện khai báo.

Thúc đẩy giao dịch hàng hóa

Dự thảo nghị định quản lý hàng hóa XNK qua TMĐT đề ra nhiều quy định mới, có thể khắc phục những bất cập trên.

Đối với người khai hải quan là doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh hoặc đại lý làm thủ tục hải quan được thực hiện thủ tục hải quan theo từng nhóm hàng, được khai nhiều đơn hàng trên một tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan đơn giản, theo đó tạo thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa, hàng hóa được thông quan nhanh chóng.

Khắc phục bất cập để chính sách theo kịp thực tế

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm. Trong 3 năm tới, quy mô thị trường được dự báo sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, việc điều chỉnh chính sách, pháp luật không chỉ nhằm theo kịp với thực tế mà còn phải là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hải quan có đầy đủ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT; các thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giúp cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đây là nghị định đầu tiên quy định riêng về quản lý hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT, do vậy khi nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, thống nhất làm cơ sở cho các đối tượng liên quan thực hiện. Nội dung quy định tại dự thảo nghị định phù hợp với bản chất của hàng hóa giao dịch qua TMĐT, cũng như các cam kết quốc tế và phù hợp với khung TMĐT của Tổ chức Hải quan thế giới.

Do đó, khi nghị định được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa qua TMĐT do có chính sách ưu đãi riêng đối với hàng hóa giao dịch qua hoạt động TMĐT; có phân loại về thủ tục hải quan để đảm bảo việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi nhất; thủ tục hải quan đơn giản vì cung cấp, trao đổi thông tin, thủ tục hải quan đều được xử lý trên một hệ thống duy nhất (Hệ thống xử lý dữ liệu TMĐT).

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/linh-hoat-chinh-sach-tao-nen-tang-thuc-day-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-107008-107008.html