Linh hoạt ứng phó dịch COVID-19

Trước ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt ứng phó, phấn đấu duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm vượt qua khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.

Sản xuất ván gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Trường Phát (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trong khu công nghiệp Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sản xuất ván gỗ xuất khẩu từ nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn tại nhà máy của Công ty Cổ phần Trường Phát (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trong khu công nghiệp Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương đã có đơn hàng đến quý II năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành này ước đạt 548,5 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh ước đạt 462,6 triệu USD, tăng 7,2%; ngành giày da xuất khẩu ước đạt 462,6 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp Hội Da giày - Túi xách Bình Dương, các doanh sản xuất, xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi đó, một số công ty Trung Quốc vẫn chưa đi vào hoạt động. Thêm nữa, một số chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc chưa sang cũng đang ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, một số doanh nghiệp không nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc mà nhập khẩu từ các nước khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền do nguyên liệu cũng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó sản xuất và cung cấp sang Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp có thể phải đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, cụ thể trong quý II và quý III năm 2020.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Việt Dũng, qua rà soát, đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dẫn đến số thu thuế dự kiến năm 2020 tại Cục giảm trên 400 tỷ đồng do hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất nhập khẩu với Trung Quốc có thể gặp khó khăn.

Trong năm 2019, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã làm thủ tục cho 79 doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách trên 6 tỷ đồng/doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và đã thực nộp 1.585 tỷ đồng, chiếm 8,98% trong tổng số thu. Từ 01/01/2020 đến 14/2/2020, kim ngạch hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 147,39 triệu USD, giảm 14,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thu thuế cùng thời gian này đạt 406,61 tỷ đồng, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2019.

Để hạn chế những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang tìm cách xoay chuyển nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Đối với ngành da giày - túi xách, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp Hội Da giày - Túi xách Bình Dương lạc quan cho biết, nếu dịch COVID-19 chấm dứt vào tháng 4 năm 2020 thì tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ngành da giày - túi xách của tỉnh tạm ổn. Trong khó khăn, ngành xác định việc gì làm được thì làm ngay. Cụ thể, đối với các nguyên phụ liệu hay thiết bị sản xuất nào trong nước sản xuất được thì triển khai mua ngay để thay thế sử dụng.

Trong trường hợp đảm bảo hoạt động sản xuất lâu dài, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế, chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế kịp thời để ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với ngành gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Long ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đặt hy vọng vào cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, để xuất khẩu vào 2 thị trường này doanh nghiệp phải hiểu rõ về từng thị trường và vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, theo ông Thanh, doanh nghiệp ngành gỗ phải nỗ lực để đổi mới tư duy cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm từng bước phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Hiện nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực thu hút đầu tư mở rộng nhà máy, công nghệ, hợp tác để nâng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh rất chú trọng xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm để mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn.

Đối với ngành dệt may, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu lao động, các doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ cao như robot để bù vào thiếu hụt lao động, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp dệt may cũng nên tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu muốn đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu cả năm, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động tìm kiếm thị trường thay thế. Về phía ngành công thương Bình Dương sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ giao thương giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, hiện nay, các Chi cục hải quan đang nắm chắc thông tin tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ; trong đó đặc biệt ưu tiên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có số thu lớn của từng Chi cục để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Cục Hải Quan Bình Dương giao cho Phòng Giám sát quản lý phối hợp với các Chi cục chủ động nắm bắt từ các doanh nghiệp về chứng từ hồ sơ liên quan nhập khẩu như C/O, B/L, Packing list... chậm trễ do không được gửi bằng đường hàng không để kịp thời xử lý, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/linh-hoat-ung-pho-dich-covid19-20200227141420834.htm