Lộ diện gần 6.700 'bóng ma' Maya
Hàng loạt kim tự tháp, đền thờ, nhà cửa... và cả một thành đô huy hoàng của người Maya đã bị giấu ngay cạnh khu dân cư đông đúc mà không ai hay biết.
Theo Heritage Daily, nhóm khoa học gia từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico, Đại học Tulane và Đại học Houston (Mỹ) phát hiện có tới 6.674 công trình kiến trúc của người Maya tại một khu vực chưa được khai phá thuộc TP Campeche - Mexico.
"Các nhà sinh thái học và kỹ sư đã tiến hành khảo sát LiDAR ở một số khu vực này cho các nghiên cứu không liên quan" - tác giả chính Luke Auld-Thomas từ Đại học Tulane nói.
Vì vậy, các nhà khảo cổ đặt ra giả thuyết liệu nó còn tiết lộ những cấu trúc ẩn giấu từ nhiều thế kỷ trước hay không.
LiDAR là một phương tiện viễn thám sử dụng tia laser để đo khoảng cách từ điểm phát đến mặt đất. Sự khác biệt về thời gian phản hồi và bước sóng của tia laser có thể được sử dụng để biên soạn bản đồ kỹ thuật số 3D của cảnh quan.
Do vậy, những phế tích chỉ còn lại phần nền hay bị các tán rừng rậm rạp che phủ có thể lộ diện trong hình ảnh LiDAR.
Nhưng các nhà nghiên cứu không thể ngờ rằng họ đã có phát hiện ngoài sức tưởng tượng.
Đó là một khu vực đông dân cư gồm 6.674 công trình kiến trúc Maya chưa từng được biết đến trước đây, bao gồm các kim tự tháp tương tự như những kim tự tháp ở Chichén Itzá và Tikal.
Ngoài ra, nghiên cứu còn tiết lộ các khu vực nông thôn và các khu định cư nhỏ. Thậm chí họ còn tìm thấy một thành phố lớn có nhiều kim tự tháp, tọa lạc trên một sườn núi gần một khu vực canh tác nông nghiệp.
Đáng chú ý, thành phố này nằm rất gần con đường cao tốc đi ngang qua Campeche hiện đại.
Khu vực trung tâm của thành phố lớn này còn lại dấu vết của những ngôi nhà trên khu đất cao, một sân bóng, một công trình thủy lợi.
“Thế giới cổ đại có rất nhiều ví dụ về những thành phố hoàn toàn khác biệt so với những thành phố chúng ta có ngày nay” - TS Auld-Thomas kết luận.
Khác với đô thị ngày nay, đô thị cổ đại của người Maya thường xen lẫn các vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn.
Nghiên cứu về phát hiện ngoạn mục này vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Antiquity.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-gien-gan-6700-bong-ma-maya-196241030101329489.htm