Điểm khác biệt giữa sóng thần và sóng thủy triều
Sóng thần và sóng thủy triều là hai hiện tượng sóng mạnh trên Trái Đất, nhưng nguồn gốc và cách thức hình thành của chúng hoàn toàn khác biệt.
Đôi khi hai khái niệm này bị nhầm lẫn, sóng thần và sóng thủy triều thực tế có những cơ chế riêng biệt và tác động rất khác nhau đến môi trường.
Sóng thủy triều: Hiện tượng chu kỳ và dễ dự báo
Sóng thủy triều được tạo ra chủ yếu bởi lực hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng, cùng với sự ảnh hưởng nhỏ hơn từ Mặt Trời.
Sự tương tác này làm biến đổi mực nước biển, tạo nên các đợt thủy triều cao và thấp tại các vùng ven biển. Vì phụ thuộc vào chu kỳ của Mặt Trăng, sóng thủy triều diễn ra đều đặn và có thể dự đoán trước.
Cụ thể, lực hấp dẫn của Mặt Trăng làm nước đại dương dâng lên ở khu vực gần nó, tạo thành một khối nước lớn. Ngược lại, ở phía đối diện của Trái Đất, quán tính của nước cũng gây nên hiện tượng phình ra, tạo thành thủy triều ở cả hai phía.
Phần lớn các vùng ven biển trên thế giới trải qua hai lần thủy triều cao và thấp trong khoảng 24 giờ 50 phút.
Mặc dù sóng thủy triều thường nhỏ và trải rộng hàng ngàn dặm, nhưng tại những khu vực đặc biệt như cửa sông hẹp, năng lượng thủy triều có thể tập trung, tạo ra những đợt sóng cao và mạnh hơn.
Sóng thần: Hiện tượng mạnh mẽ và khó dự báo
Không giống sóng thủy triều, sóng thần là một hiện tượng tự nhiên không thể dự đoán. Sóng thần thường xảy ra do các sự kiện động đất dưới đáy biển, núi lửa phun trào, lở đất hoặc thậm chí thiên thạch rơi xuống biển.
Động đất dưới đáy biển, đặc biệt là ở những khu vực hút chìm, là nguyên nhân chủ yếu tạo ra sóng thần. Khi một trận động đất đạt cường độ từ 6,5 độ Richter trở lên tại độ sâu nông, nó có thể đẩy một lượng nước khổng lồ và phát tán năng lượng dưới dạng sóng.
Ngoài ra, các sự kiện như núi lửa phun trào hoặc lở đất cũng có khả năng dịch chuyển khối nước, gây ra các đợt sóng thần với sức mạnh tàn phá khủng khiếp.
Sóng thần có thể di chuyển với tốc độ lên đến 800 km/giờ, thường không dễ nhận biết khi còn ở ngoài khơi. Khi sóng tiến gần vào bờ, chúng bị nén lại và chiều cao tăng đột ngột, tạo thành những bức tường nước cao khổng lồ. Độ cao của sóng thần phụ thuộc vào cường độ sự kiện và địa hình của khu vực.
Sau trận sóng thần kinh hoàng tại Ấn Độ Dương năm 2004, các quốc gia ven biển đã thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Các phao theo dõi thuộc hệ thống đánh giá và báo cáo sóng thần dưới đáy đại dương (DART) truyền tín hiệu từ máy đo áp suất dưới đáy biển lên vệ tinh và đến các trung tâm cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông Costas Synolakis từ Đại học Nam California, hệ thống này hiện chỉ bao phủ một phần và cần mở rộng thêm để đạt được khả năng phát hiện hiệu quả hơn.