Lo ngại tháng 3 hết nguyên liệu, nhiều ngành sản xuất 'đóng băng'

Chiều 26/2, Bộ Công Thương tổ chức họp đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Thời gian tới tác động của dịch COVID-19 đối với các ngành sẽ rõ rệt hơn, do đó cần có đánh giá cụ thể đối với từng ngành và lên phương án ứng phó.

Thiếu nguyên liệu sản xuất

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng trung gian phục vụ ngành công nghiệp thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc, dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn như việc Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã bùng phát dịch bệnh và châu Âu, châu Mỹ phát hiện một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp.

Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác cũng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.

Trong đó, ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam nhập khoảnh 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng cuối tháng 3/2020.

Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da - giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Ngành sản xuất lắp ráp ô tô năm 2019 nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 7 tỷ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD... Dự kiến, đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất.

"Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động", ông Trương Thanh Hoài nói.

Cùng với việc thiếu nguyên liệu thì thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề "đau đầu" của nhiều doanh nghiệp. Trung Quốc cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, túi xách, máy vi tính... Vì vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên.

Đánh giá tác động từng ngành để có giải pháp cụ thể

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp chia thành 3 nhóm lớn: Dệt may, da giầy; điện tử, ô tô và sắt thép, nhựa. Trong đó, những doanh nghiệp thuộc nhóm FDI, điện tử, ô tô ít có tác động thay đổi trong chuỗi cung ứng, chỉ có nhu cầu hỗ trợ tạo điều kiện thông quan nhanh nhất, khôi phục giao nhận vận tải sớm nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, kiến nghị lớn nhất hiện nay là hỗ trợ điều kiện giao hàng, thông quan khôi phục mở lại tuyến đường bộ và nhiều doanh nghiệp dệt may đề xuất bỏ nộp thuế VAT khi dùng vải trong nước.

“Cần tăng cường nội lực trong nước để đảm bảo nguồn cung, không chỉ trong thời kỳ dịch mà ngay cả khi dịch đã qua. Chúng tôi kiến nghị đưa nội dung này vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thời gian tới. Trong chiến lược xuất nhập khẩu cần đưa vấn đề đảm bảo nguồn cung, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu là định hướng lớn, tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một vài thị trường”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Còn đại diện Vụ thị trường trong nước kiến nghị cần xem xét đến xây dựng liên kết chuỗi công nghiệp từ nguyên liệu đầu vào đến tổ chức sản xuất cho đến khi hàng hóa ra thị trường. Cùng với đó là phát triển hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại.

Đánh giá tình hình thực tế hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

“Diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, các thị trường quan trọng của Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Song tôi cho rằng không nên bi quan, trầm trọng hóa tình hình. Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dịch để đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, khả thi. Một số ngành chủ lực hiện nay bị tác động ngay là dệt may, da giày, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường trong nước cũng chịu tác động mạnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, cần đánh giá cụ thể nếu dịch COVID-19 được khống chế thành công trong nửa đầu năm 2020 thì tác động thế nào, trực tiếp hiện nay và gián tiếp trong tương lai. Cùng với đó, khả năng hồi phục sau này của thị trường, tiếp tục phát triển, tham gia chuỗi cung ứng của Việt Nam là những việc phải tính dài hạn.

“Chúng ta phải tập trung hoàn thành tốt khâu phân tích, đánh giá, dự báo được những tác động và hệ lụy có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam. Đánh giá tác động đến doanh nghiệp. Báo cáo này phải hoàn thiện và làm việc kỹ hơn với địa phương, hiệp hội, ngành hàng. Có con số thống kê, đánh giá tương đối chính xác mới nắm bắt được mức độ, quy mô tác động cùng những dự báo, kịch bản để đưa ra chính sách, khung khổ chính sách của Chính phủ cho phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm việc với chính quyền của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Cùng với đó, cần có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch COVID-19.

Cụ thể, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong Quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp Quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ 2019 (Quý I/2019 và Quý I/2018 tăng lần lượt 9% và 10,45%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo - là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp chỉ tăng 6,28% trong Quý I.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối Quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong Quý II/2020 tăng 5,33% so với cùng kỳ 2019 (Quý I/2019 và Quý I/2018 tăng lần lượt là 9,24% và 8,34%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,23% trong Quý II.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/lo-ngai-thang-3-het-nguyen-lieu-nhieu-nganh-san-xuat-dong-bang-20200226172201338.htm