Lo ngại về hàng giả, hàng nhái, hàng rào thương mại
Sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi lại một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri về nội dung trả lời chất vấn của hai bộ trưởng.
*Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương:
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, liên quan tới lĩnh vực công thương, tôi thấy các đại biểu dành nhiều sự quan tâm tới tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM). Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện PVTM. Đây là xu hướng tất yếu khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, khi các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ.
Thời gian qua, Cục PVTM, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc PVTM của nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, để giảm thiểu khả năng hàng hóa Việt Nam bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Song, cần nhấn mạnh rằng ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất nhưng nếu xuất khẩu vào một thị trường nào đó tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ áp dụng biện pháp PVTM. Do đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm tình trạng xuất khẩu tăng nhanh đột biến; thường xuyên cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM để các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính.
KHÁNH LINH (ghi)
*Ông Nguyễn Thể Hà, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, thị xã Tân An, tỉnh Long An:
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái còn phức tạp
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Quốc hội, tôi quan tâm nhiều tới các giải pháp phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị làm nhái sản phẩm gặp rất nhiều bất lợi, chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu; ngăn chặn gian lận thương mại, phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm về sản xuất hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiệt hại đối với người tiêu dùng. Trước tình hình đó, doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình thông qua thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Dĩ nhiên, đây là cả một quá trình. Đối với những sản phẩm đặc thù, nếu doanh nghiệp sản xuất đã có thương hiệu và sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm thì mọi hành vi làm nhái, làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trước sau gì cũng bị người tiêu dùng phát hiện và tẩy chay.
HỒNG ĐĂNG (ghi)
*Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa):
Ngăn chặn nguy cơ Việt Nam là bến đáp để nước khác xuất khẩu
Tôi cơ bản thống nhất với trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Tuy nhiên, tôi và ý kiến của nhiều cử tri đang rất lo ngại về tình trạng các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp ở các nước đang bị Mỹ, Liên minh châu Âu trừng phạt trong lĩnh vực thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với các đối tác để xuất khẩu. Điều này dẫn đến một hệ lụy là Việt Nam sẽ bị các nước nhập khẩu điều tra áp thuế chống bán phá giá và áp thuế trợ cấp, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, làm giảm thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tràn lan. Để đẩy mạnh việc sản xuất của các doanh nghiệp, thị trường trong nước đang thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nhưng hiện có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả xuất xứ để lừa dối khách hàng, gây hậu quả rất xấu.