Lo ngại 'vòng xoáy' bất động sản - giá càng tăng càng nhiều người mua

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về việc có hay không các doanh nghiệp bắt tay với nhau, cố tình thiết lập mặt bằng giá mới và đẩy giá thị trường bất động sản lên mức giá cao.

Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh điều nổi cộm đó là giá bất động sản tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở. Bên cạnh đó, thu nhập từ bất động sản thấp so với giá vốn đầu tư bất động sản.

Ông Cường cho rằng, giá bất động sản tăng bất thường do người mua bất động sản nhằm mục đích tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất.

"Người mua nhà không chỉ để ở mà còn xem đó là một kênh tích lũy tài sản, vì tiền bỏ vào mua bất động sản sẽ không giảm đi mà sẽ tăng lên. Do vậy, khi tích lũy được tiền thì người dân sẽ dồn vào mua bất động sản, dẫn đến sẽ có nhiều người mua và tạo ra vòng xoáy - giá càng tăng thì càng nhiều người mua - mà càng nhiều người mua, thì giá lại càng tăng", ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Ảnh: Media Quốc hội).

Nguyên nhân thứ 2, theo ông Cường, trong những năm qua do vướng mắc thủ tục pháp lý nên hầu hết các dự án bất động sản phải dừng lại, khiến cho nguồn cung trên thị trường khan hiếm trong khi cầu thì tăng lên. Và đương nhiên sẽ đẫn đến tình trạng tăng giá.

"Mặc dù giá bất động sản tăng cao nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó do các dự án đầu tư phải dừng lại không triển khai được chứ không phải do thị trường trầm lắng, giá thấp", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Bên cạnh đó, lực lượng môi giới thì tung tin để đẩy giá. "Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn đưa bất động sản ra thị trường thì bán với giá cao và dư luận cho rằng liệu có hay không các doanh nghiệp bắt tay với nhau để đưa giá bất động sản lên cao, cố tình thiết lập mặt bằng giá mới, đẩy giá thị trường lên mức giá mới?", ông Cường nói thêm.

Một lô đất được mang ra đấu giá tại vùng ven Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Một lô đất được mang ra đấu giá tại vùng ven Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Để kiểm soát giá bất động sản, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại.

Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, ông đề nghị cần đưa vào nghị quyết đề nghị Chính phủ thực hiện ngay quy định Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường.

Việc kiểm tra các yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao bất thường.

Đồng thời, Chính phủ cần đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp, thuộc đối tượng phải kê khai giá. "Có kê khai và kiểm tra giá, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh hữu hiệu", ông Cường nêu rõ.

Thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu thực tế thị trường bất động sản tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, đại biểu cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích.

Đại biểu cho rằng, chúng ta cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường của thị trường.

"Đó là việc tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân", ông Hạ nói và đặt vấn đề việc báo cáo giám sát chưa chỉ rõ việc "có lợi ích nhóm, dấu hiệu lũng đoạn, thao túng thị trường hay bong bóng bất động sản".

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, một trong những giải pháp giảm giá thị trường bất động sản đó là trái phiếu bất động sản.

Hiện trái phiếu bất động sản phát hành ra với mức lãi suất 12-15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn. Theo tính toán, dự kiến năm 2025 có khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến kỳ đáo hạn.

Ông Hạ cho rằng, nếu không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ.

"Thời gian tới thị trường bất động sản chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường", ông Hạ nói và đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và đúng hướng.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lo-ngai-vong-xoay-bat-dong-san-gia-cang-tang-cang-nhieu-nguoi-mua-204241028113339093.htm