Lò Sử Mẩy - Người giữ lửa nghề thêu truyền thống của bản Dao

Khi nhắc đến bộ trang phục, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Dao đỏ ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai, không thể không nhắc tới bà Lò Sử Mẩy, người phụ nữ dân tộc Dao ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn. Bởi bà có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy nghề thêu truyền thống của dân tộc Dao đỏ nơi đây.

Được bà và mẹ truyền dạy nghề thêu từ khi còn bé, năm 15 tuổi bà Lò Sử Mẩy ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã biết thêu thành thạo những hoa văn, họa tiết trên bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ: “Người Dao đỏ quan niệm người con gái phải biết thêu thùa, may vá. Phải tự tay mình làm ra những bộ trang phục truyền thống thì bộ trang phục ấy mới có giá trị. Vì vậy, tôi đã học thêu từ bà, từ mẹ, và cứ thế lớn lên tôi đã tự biết thêu thuần thục và may cho mình những bộ trang phục truyền thống”.

Bà Lò Sử Mẩy đang hoàn thiện hoa văn tà sau chiếc áo truyền thống của phụ nữ Dao đỏ

Bà Lò Sử Mẩy đang hoàn thiện hoa văn tà sau chiếc áo truyền thống của phụ nữ Dao đỏ

Theo bà Lò Sử Mẩy , để có được bộ trang phục truyền thống đạt đến độ thẩm mỹ cao, bà và bà con ở đây thường sử dụng nguyên liệu vải thổ cẩm truyền thống, với chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng đã được nhuộm nhiều màu sắc. Ngoài nắm chắc kỹ thuật thêu tay, người thợ thêu còn phải rất thuần thục trong kỹ thuật thêu tạo hình tương ứng với các biểu tượng hình con vật, vật thể, cây cối, hoa văn tín ngưỡng… Thông thường để hoàn thành một bộ trang phục gồm áo dài, yếm áo, quần, đai lưng và khăn đội đầu phải mất cả năm trời nếu thêu nhanh.

Ngoài miệt mài thêu các bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ, bà Lò Sử Mẩy còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như: ví thổ cẩm, túi đeo, móc khóa, vỏ gối… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ du khách khi đến trải nghiệm các bản làng người Dao Sa Pa. Cứ thế, nghề thêu gắn bó với bà Lò Sử Mẩy theo năm tháng: “Mỗi tháng từ việc bán các sản phẩm đồ lưu niệm cho du khách tại các điểm du lịch Sa Pa cũng thu nhập được 3-4 triệu đồng/tháng, tôi vui lắm”.

Hoa văn phần lưng áo truyền thống cùa Phụ nữ Dao đỏ

Hoa văn phần lưng áo truyền thống cùa Phụ nữ Dao đỏ

Để nghề thêu truyền thống của dân tộc được gìn giữ, phát huy, bà Sử Mẩy giành nhiều thời gian truyền dạy cho con cháu trong gia đình, và một số chị em ở bản Dao. Cứ miệt mài từ năm này qua năm khác, mưa dầm thấm lâu, đến nay 4 người con gái của bà Mẩy và 9 người cháu đều đã biết thêu và nhiều chị em trong bản Dao đều đã biết thêu thuần thục bộ trang phục truyền thống đồng bào Dao đỏ.

Chị Lý Tả Mẩy, cháu bà Lò Sử Mẩy nói: “Được bà ngoại truyền dạy nghề thêu truyền thống, đến nay tôi đã tự thêu được bộ trang phục truyền thống dân tộc. Không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa mà nghề thêu còn giúp cho gia đình có thêm thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng từ việc bán các sản phẩm thêu truyền thống người Dao”.

Hoa văn tà trước, tà sau chiếc áo truyền thống của phụ nữ Dao đỏ

Hoa văn tà trước, tà sau chiếc áo truyền thống của phụ nữ Dao đỏ

Theo ông Giàng A Lung, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, hiện nay nghề thêu đã mang lại thu nhập cho người dân Tả Phìn - một điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa Dao. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của bà Lò Sử Mẩy, bởi dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn rất tâm huyết trong việc truyền dạy nghề thêu cho các thế hệ con cháu. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống để lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo của dân tộc.

Bà Lò Sử Mẩy cùng chị em phụ nữ Dao đỏ luôn gìn giữ nghề thêu tay truyền thống

Bà Lò Sử Mẩy cùng chị em phụ nữ Dao đỏ luôn gìn giữ nghề thêu tay truyền thống

Đặc biệt, sẽ mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy nghề thêu của đồng bào Dao tại các trường học trên địa bàn: “Chúng tôi đánh giá rất cao những đóng góp của nghệ nhân Lò Sử Mẩy trong thời gian qua. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mời các nghệ nhân đam mê với nghề thêu của người Dao sẽ tham gia hướng dẫn các em học sinh học thêu tại các nhà trường, qua đó giúp các em am hiểu hơn về nghề truyền thống cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi đời, đôi tay đã chậm dần, song bà Lò Sử Mẩy vẫn cặm cụi, tỉ mỉ thêu tay từng đường kim mũi chỉ trên vải, chỉ với tâm niệm làm sao “Giữ lửa và bảo tồn" nghề thêu truyền thống của dân tộc cho con cháu.

Thiều Nghiệp/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/lo-su-may-nguoi-giu-lua-nghe-theu-truyen-thong-cua-ban-dao-post1129469.vov