Loạt bệnh viện ở Quảng Ngãi phải mượn tiền tỷ để trả lương y, bác sĩ

Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều bệnh viện huyện, thị xã ở Quảng Ngãi lâm cảnh khó khăn, phải mượn tiền của công ty dược hoặc nguồn dự phòng y tế xã để trả cho nhân viên y tế.

Liên tục nhiều tháng qua, người dân ở thị xã Đức Phổ và các địa phương lân cận phải vượt đường xa hàng chục cây số đến các bệnh viện ở TP Quảng Ngãi chụp CT cắt lớp hay nội soi để khám, điều trị bệnh.

Ông Nguyễn Hành (ngụ phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), cho hay con trai không may bị tai nạn giao thông, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cấp cứu.

"Không ngờ các bác sĩ nơi đây bảo rằng máy CT chụp cắt lớp bị hỏng nên phải chuyển con tôi vượt đường xa 50 km đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi mới có thể chụp phim cấp cứu, điều trị", ông Hành nói.

 Máy CT chụp cắt lớp của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm bị hư hỏng nhiều tháng qua nhưng chưa được sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.

Máy CT chụp cắt lớp của Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm bị hư hỏng nhiều tháng qua nhưng chưa được sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.

Khó khăn chồng chất, không chỉ thiết bị y tế hư hỏng không có tiền sửa chữa, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm còn mượn tạm tiền thuốc của một công ty dược để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, cho hay máy CT chụp cắt lớp bị hỏng bóng đèn chụp, máy nội soi trục trặc, hỏng liên tục đã gây ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân địa phương.

"Thiết bị y tế hư hỏng thời gian dài chưa có tiền sửa chữa. Mặt khác, chúng tôi còn nợ đơn vị cung ứng dược phẩm 8 tỷ đồng (mượn tạm kinh phí trả tiền thuốc) để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế", bác sĩ Diệp thông tin.

Tương tự, sau đại dịch Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Đặng Văn Điểm, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa, cho biết toàn huyện có gần 300 cán bộ, nhân viên y tế phải chi trả lương mỗi tháng hơn một tỷ đồng.

"Dịch bệnh kéo dài, thiếu hụt nguồn thu nên Bệnh viện đành mượn tạm nguồn kinh phí dự phòng UBND tỉnh, nguồn dự phòng y tế xã khoảng 4,8 tỷ đồng để chi trả lương cho đội ngũ y, bác sĩ", ông Điểm cho biết.

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Đức, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi, xác nhận do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh giảm mạnh khiến nguồn thu sự nghiệp giảm.

 Người dân nộp viện phí ở Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Minh Hoàng.

Người dân nộp viện phí ở Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Minh Hoàng.

Trong khi đó, tỷ lệ giao tự bảo đảm chi thường xuyên không giảm so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid-19 nên đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị sự nghiệp trong việc chi lương, phụ cấp và chăm lo đời sống cho cán bộ và nhân viên y tế.

Đẩy mạnh tiến trình cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế công lập là một trong những giải pháp cốt lõi để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế. Điều này sẽ thu hút nguồn nhân lực trình độ cao tại các cơ sở y tế công lập, giảm chuyển dịch nhân lực sang cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khảo sát, đánh giá lại để giao định mức tự chủ tài chính phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của từng đơn vị.

Sở Y tế Quảng Ngãi có trách nhiệm rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về trang thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm tài sản nhằm phục vụ kịp thời công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-benh-vien-o-quang-ngai-phai-muon-tien-ty-de-tra-luong-y-bac-si-post1342408.html