Loạt giải pháp hóa giải ùn tắc ở TP.HCM

TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp giải bài toán ùn tắc đang diễn ra nhức nhối, trong đó có thí điểm đèn giao thông thông minh tự điều chỉnh tín hiệu theo lưu lượng giao thông thực tế, thay đổi lộ trình xe ô tô, tái cấu trúc hệ thống xe buýt...

Điều chỉnh giao thông nhiều tuyến đường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ giữa tháng 9, ba tuyến xe buýt 122, 85 và 62-5 trước đây lưu thông vào đường Bà Triệu (Hóc Môn) đều đã thay đổi lộ trình.

Việc điều chỉnh này nhằm tránh ùn tắc khi dự án nâng cấp đường Trần Văn Mười (tuyến nối dài với đường Bà Triệu) bắt đầu triển khai.

Người dân chật vật lưu thông trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) khi "lô cốt" thi công án ngữ.

Người dân chật vật lưu thông trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) khi "lô cốt" thi công án ngữ.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, không chỉ xe buýt, các loại xe ô tô và xe ba bánh cũng bị cấm lưu thông từ đường song hành quốc lộ 22 đến rạch Bà Triệu, trừ các phương tiện của cư dân trong khu vực.

Ngoài khu vực Hóc Môn, các tuyến đường khác tại TP.HCM cũng sẽ được điều chỉnh hướng tuyến, giảm lưu lượng ô tô ra vào trước khi các dự án thi công bắt đầu.

Tại đường Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình), tình trạng hàng nghìn xe máy, ô tô chen chúc vào giờ cao điểm diễn ra mỗi ngày.

Thực trạng này nguy cơ trở thành ùn tắc nghiêm trọng khi trên tuyến có đến 5 dự án hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông đang thi công.

"Suốt 2 tháng qua, chỉ riêng lô cốt thi công của ngành điện đã khiến nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám thành nỗi ám ảnh.

Đoạn đường bị thu hẹp còn một nửa khiến người dân mất gần 20 phút mới đi được vài chục mét", chị Thảo - người dân sống tại phường 13, quận Tân Bình chia sẻ.

Tái cấu trúc mạng lưới buýt

Cùng với điều chỉnh hạ tầng giao thông, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, đơn vị đang tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt.

Đối với các tuyến nội thành, Sở GTVT TP.HCM đã có chủ trương chuyển đổi sang các dòng xe vừa và nhỏ, từ 30 - 40 chỗ và 41 - 50 chỗ.

TP.HCM đang triển khai tăng cường các loại xe buýt vừa và nhỏ. (Trong ảnh: Xe buýt lớn gặp ùn tắc trên đường dưới chân cầu vượt Nguyễn Thái Sơn).

TP.HCM đang triển khai tăng cường các loại xe buýt vừa và nhỏ. (Trong ảnh: Xe buýt lớn gặp ùn tắc trên đường dưới chân cầu vượt Nguyễn Thái Sơn).

Với kích thước này, xe buýt sẽ phù hợp hơn với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, đảm bảo kết nối với các tuyến đường có bề ngang nhỏ.

"Kích thước xe buýt nhỏ hơn giúp tăng sự linh hoạt trong bối cảnh hạ tầng giao thông thành phố đang hoàn thiện, một số tuyến đường quá tải", ông Hoàn chia sẻ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, đã đề xuất Sở GTVT xem xét chọn loại phương tiện xe buýt nhỏ từ 30 chỗ ngồi trở xuống với một số tuyến đường nhỏ hẹp, thường xảy ra tình trạng kẹt xe để phương tiện lưu thông thuận lợi.

Theo thượng tá Hà, phương tiện buýt có kích thước lớn, loại 50 chỗ ngồi và 30 chỗ đứng thích hợp cho việc vận chuyển hành khách với số lượng lớn, đặc biệt là lượng học sinh, sinh viên rất hiệu quả.

"Nếu thay thế phương tiện có kích thước nhỏ hơn, với số lượng hành khách lớn, phải huy động nhiều phương tiện hơn. Từ đó, số lượng, tần suất phương tiện tăng lên, người điều khiển phương tiện cũng tăng lên.

Vì vậy, Sở GTVT cần có đánh giá, tổ chức thí điểm tính hiệu quả và cần lộ trình để thay thế dần", ông Hà phân tích.

Thí điểm đèn tín hiệu thông minh

Một giải pháp khác đang được TP.HCM rốt ráo triển khai là tích hợp, nâng cấp hệ thống camera do Sở GTVT TP.HCM đang quản lý.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, đơn vị đang quản lý hơn 1.000 camera giao thông, nhân viên theo dõi 24/24h.

Dữ liệu từ hệ thống camera này được kết nối, tích hợp, chia sẻ cho lực lượng CSGT, công an các quận huyện phục vụ điều tiết, xử lý vi phạm giao thông.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với một đơn vị lắp đặt thí điểm đèn giao thông thông minh. Hệ thống này có gắn camera quét lưu lượng giao thông, tự động điều chỉnh tín hiệu theo thời gian thực. Hiện hệ thống này đang thí điểm ở ngã tư Hàng Xanh, sắp tới mở rộng thêm một số khu vực khác.

"Nếu áp dụng đại trà sẽ rất hiệu quả. Các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông bớt phải ra hiện trường điều tiết, việc điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông diễn ra tức thời, giảm được kẹt xe", ông Hưng đánh giá.

Theo báo cáo của Ban ATGT TP.HCM, toàn thành phố có 24 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Hiện TP.HCM đã nghiên cứu bộ tiêu chí về ùn tắc giao thông gồm: Vận tốc trung bình dòng xe ≤ 5km/h (thấp hơn vận tốc của người đi bộ), tình trạng kéo dài trên 30 phút và chiều dài dòng xe kéo dài từ 200 - 300m.

Cùng với các nỗ lực ngăn ùn tắc từ sớm, từ xa bằng nhiều giải pháp, TP.HCM cũng đốc thúc ngành giao thông nỗ lực hoàn thành nhiều dự án để mở rộng hạ tầng giao thông.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, nhiều công trình sẽ thông xe như: Cầu Nam Lý, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Bà Hom, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa...

Những công trình này được kỳ vọng sẽ góp phần hóa giải áp lực giao thông, từ đó giúp giảm ùn tắc giao thông.

Minh Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loat-giai-phap-hoa-giai-un-tac-o-tphcm-192240926224638118.htm