Loay hoay lời giải cho những bất cập về kinh doanh vận tải

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến rộng rãi. Đáng chú ý, việc phân loại các loại hình kinh doanh vận tải và cách thức quản lý đối với những mô hình vận tải mới thu hút nhiều sự quan tâm và ý kiến trái chiều. Việc tìm lời giải để đáp ứng thỏa đáng cách thức quản lý kinh doanh vận tải dường như vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Phân loại kinh doanh vận tải ra sao?

Theo đó, tại Khoản 3, Điều 111 trong bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ngày 31/5/2020, quy định: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các khoản 4, 5, 6 định nghĩa rõ về các loại hình kinh doanh vận tải này.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chia kinh doanh vận tải còn 3 loại hình gồm xe buýt, taxi và xe hợp đồng. Ảnh: Giang Nam

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chia kinh doanh vận tải còn 3 loại hình gồm xe buýt, taxi và xe hợp đồng. Ảnh: Giang Nam

Nói cách khác, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các loại hình kinh doanh vận tải giảm từ 5 loại hình là xe tuyến cố định, xe buýt theo tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch xuống còn 3 loại hình.

Nói rõ hơn vấn đề này, tại cuộc Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Hiện nay, trong giao thông đường bộ đề ra 5 loại hình vận tải. Trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hợp quy lại theo bản chất, một là taxi, hai là xe buýt, trong xe buýt có xe buýt nội tỉnh và ngoại tỉnh, còn xe hợp đồng và xe du lịch thì chỉ để là xe hợp đồng. Từ đó, sẽ quy định chi tiết với vận tải xe buýt nội tỉnh, ngoại tỉnh, hợp đồng.

“Việc đưa ra các quy định khi để năm loại hình vận tải hành khách là cực kỳ khó vì ranh giới giữa các loại hình rất khó phân biệt. Khi rõ bản chất rồi thì chúng ta cố gắng đưa ra mô hình để quản lý, phân biệt các loại hình để thực hiện quản lý dễ hơn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.

Chia sẻ những quy định được đưa ra trong bản Dự thảo, ông Phan Bá Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ An Vui, đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ cho lĩnh vực vận tải cho rằng việc gộp các loại hình kinh doanh vận tải là bước biến chuyển. “Nhiều loại hình không có nghĩa là sẽ phải sinh ra nhiều luật mà quan trọng là luật pháp có sinh ra được cơ chế mà chúng ta có thể lấy một tiêu chí nào đó để định giá. Nếu phân loại theo tiêu chí là bản chất kinh doanh, bản chất phục vụ thì đó chính là 3 loại hình như trong dự thảo luật”, ông Phan Bá Mạnh chia sẻ.

Ở góc độ khác, không ít ý kiến cho rằng việc “gom” nhiều loại hình vận tải vào chung sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Chẳng hạn, gom từ 5 loại hình vận tải gồm taxi, xe buýt, tuyến cố định, hợp đồng và du lịch đưa về 3 loại xe hợp đồng, du lịch, vận tải tuyến cố định đã vô tình gây bất cập cho hoạt động của doanh nghiệp khi quy định điều kiện kinh doanh chung cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có sự phân loại theo bản chất, yêu cầu thực tế của dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Góp ý vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, việc xác định các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong dự thảo chưa có tiêu chí rõ ràng. Nhiều quy định quản lý không xuất phát trực tiếp từ yêu cầu bảo đảm lợi ích của xã hội và hành khách mà chỉ phục vụ cho sự thuận tiện của công tác quản lý. Lý giải quan điểm, đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật phân tích, dự thảo luật đã áp dụng một nhóm điều kiện chung cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải phải mua sắm, trang bị đầy đủ như đối với doanh nghiệp cung ứng toàn bộ chuỗi dịch vụ.

Khi đó, ngay cả các doanh nghiệp cung ứng phần mềm kết nối, không cần thiết phải mua sắm phương tiện vận tải, nhưng vẫn phải mua cho đầy đủ điều kiện dù có thể mua sắm xong nhưng không dùng. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra sự quá tải về hạ tầng và đặc biệt là phá vỡ quy hoạch taxi - phương tiện được coi là cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Khi mà các đơn vị cung cấp ứng dụng môi giới hiện hành buộc phải chuyển sang ứng dụng điều hành, họ trở thành các công ty taxi chuyên nghiệp, thay vì chỉ khai thác thị trường ngách - các phương tiện cá nhân hoặc taxi đang nhàn rỗi.

“Sẽ rất vô lý nếu việc kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp cung ứng phần mềm kết nối, không cần thiết đến việc mua sắm phương tiện vận tải mà vẫn phải mua cho đầy đủ điều kiện, gây lãng phí nguồn lực và tạo ra sự quá tải về hạ tầng, phá vỡ quy hoạch taxi, trong khi có thể tận dụng các phương tiện nhàn rỗi” - ông Ngô Vĩnh Bạch Dương bày tỏ quan điểm. Từ những lý do trên, vị chuyên gia này đề xuất Ban soạn thảo phải có sự cá biệt hóa các điều kiện kinh doanh phù hợp với từng dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, xe hợp đồng dưới 9 chỗ là một mảng dịch vụ lớn, phục vụ một nhu cầu thực tế của xã hội. Nếu loại hình này bị bãi bỏ, người tiêu dùng sẽ mất đi một sự lựa chọn sử dụng phương tiện phù hợp với điều kiện của mình nhất. Chẳng hạn, có rất nhiều đơn vị hoặc cá nhân không mua ô tô riêng mà thuê ô tô dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) để phục vụ nhu cầu đi làm, đi họp, đi công tác theo giờ, ngày, tuần.

Trong trường hợp này, đi taxi hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của họ. Hơn nữa, nhà nước đang có chủ trương hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông. Trong bối cảnh đó, nhu cầu sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, theo bà Thảo, việc bãi bỏ loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ giảm đi sự lựa chọn của khách hàng, buộc họ phải quay lại sử dụng xe cá nhân.

Cần sớm có tiếng nói chung

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều mô hình vận tải mới ra đời, đòi hỏi cần phải có cách thức quản lý phù hợp. Và điều này càng quan trọng khi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) phải có tính mở, bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Minh chứng dễ thấy, thời gian qua sự phát triển quá nhanh của taxi công nghệ đã tạo nên những mâu thuẫn giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Theo quy định mới, taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI”, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Trường hợp ô tô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4, nếu tiếp tục kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thực hiện cấp lại phù hiệu, dán cố định trên ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi phải cấp lại phù hiệu taxi để hoạt động kinh doanh theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Ở câu chuyện phân loại các loại hình kinh doanh vận tải và cách thức quản lý đối với những mô hình vận tải mới, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, các điều kiện của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách rất khác nhau. Bởi vậy, nếu chúng ta gộp vào một nhóm lớn thì sau đó lại phải có những điều kiện cụ thể với từng loại hình. “Dù có gộp lại hay không thì cũng lại phải tách ra, ví dụ như taxi không thể nào giống với xe buýt được”, TS Trần Hữu Minh nói.

Dẫn thí dụ quy định trong luật đường bộ của Hàn Quốc, TS Trần Hữu Minh cho biết, trong luật, toàn bộ các loại hình vận tải được định nghĩa ngay từ đầu rất rõ, các loại hợp đồng cũng được định nghĩa chi tiết và sau này khi có điều kiện tiếp cận thì quy định cụ thể luôn. Chia sẻ quan điểm về vấn đề liên quan, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lại cho rằng: Dự luật cần nghiên cứu phân chia thêm các loại hình vận tải hành khách. Bởi rõ ràng là thời gian qua, vận tải hành khách có nhiều bất cập trong điều kiện rất phức tạp.

“Càng phức tạp càng phải chia nhỏ quản lý, nếu phức tạp mà đem gộp lại thì lại không đáp ứng nhu cầu quản lý. Chẳng hạn nếu gộp xe buýt liên tỉnh với vận tải đường dài là không phù hợp. Gộp chung rồi sau lại… chẻ ra thì rất phức tạp” - ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/loay-hoay-loi-giai-cho-nhung-bat-cap-ve-kinh-doanh-van-tai-109186.html