Lợi ích kép từ mô hình dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số
Liên kết cùng sản xuất, hỗ trợ nhau nâng cao tay nghề để làm nên những sản phẩm có chất lượng, các mô hình dệt thổ cẩm tại nhiều xã miền núi đã, đang góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm. Hiệu quả kinh tế cũng như những giá trị văn hóa truyền thống đang hàng ngày được lưu giữ chính là lợi ích kép mà các tổ, câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm đã đạt được.
CLB thổ cẩm Thanh Lâm (Như Xuân) không chỉ mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ mà còn giúp họ giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc mình.
Con ngõ nhỏ yên bình nơi miền quê nghèo xã Thanh Lâm (Như Xuân) vang lên những tiếng cách cách đặc trưng của chiếc khung dệt thổ cẩm. Đón chúng tôi, chị Vi Thị Bích cùng các chị em trong CLB thổ cẩm Thanh Lâm dừng tay, nở nụ cười thân thiện. Họ vui vẻ giới thiệu về các công đoạn làm nên những tấm vải nhiều màu bắt mắt, về những sản phẩm đã hoàn thiện... rồi ai nấy lại thoăn thoắt luồn từng sợi chỉ mảnh khiến cho tấm vải được nối dài thêm.
Thành lập vào tháng 6-2019, CLB thổ cẩm Thanh Lâm có 28 thành viên đều là người dân tộc Thái, trong đó trẻ tuổi nhất là chị Vi Thị Bích năm nay 30 tuổi, lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm là những người phụ nữ đã ngoài 50. Đối với những người phụ nữ nơi vùng quê nghèo này thì CLB chính là nơi để chị em được làm nghề, được sống với nghề.
Nói về lý do tham gia và trở thành chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm, chị Bích tâm sự: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của quê hương tôi, gắn bó với cuộc đời của các bà, các mẹ. Những sản phẩm của nghề không đơn thuần chỉ là chiếc áo, chiếc khăn dùng để mặc, để quàng hàng ngày mà bên trong nó còn chứa đựng nét đẹp văn hóa, thể hiện những đặc trưng của đời sống con người nơi đây. Tuy nhiên những năm gần đây, khi lớp người cao tuổi đã không còn đủ sức để giữ nghề, lớp trẻ lại có sự lựa chọn riêng với cuộc sống mới, số chị em biết dệt trong làng ngày càng ít đi. Mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, được sự hỗ trợ của hội LHPN xã, chúng tôi đã thành lập CLB để cùng nhau kết nối sản xuất, dần thương mại hóa sản phẩm truyền thống của địa phương mình”.
Hiện nay, sau 1 năm đi vào hoạt động, CLB đã tạo nên một môi trường làm việc hăng say, phấn khởi. Hàng ngày, các thành viên trong CLB lại chia ra các nhóm để cùng tập trung dệt vải. Qua từng lời chỉ dẫn, góp ý, tay nghề của các thành viên trong nhóm ngày càng được nâng cao. Bà Lương Thị Sen, 54 tuổi bày tỏ: “Nhiều chị em trẻ tuổi khi mới tham gia chỉ biết dệt đơn giản, chưa biết tạo hoa văn nhưng nhờ chăm chỉ học hỏi mà nay đã có thể làm nên những chiếc khăn, chiếc áo đẹp hơn. Để thu hút khách hàng, chúng tôi phải học cách tạo nên hoa văn độc đáo. Khi trang phục truyền thống không thay đổi nhiều về kiểu dáng thì sức sống của chúng được thể hiện qua đường nét hoa văn. Không chỉ đơn giản là họa tiết thông thường, hiện nay các sản phẩm thổ cẩm của CLB có thêm nhiều các hoa văn mới như hình nhà sàn, con chim, chữ viết... cho phù hợp với thị hiếu của người sử dụng. Những bộ váy áo kiểu dáng hiện đại, chiếc mũ, tấm khăn choàng cổ hay túi xách, ví cầm tay... là những sản phẩm được làm nhiều nhất”.
Để duy trì và phát triển, CLB đã kết nối với nhiều đơn vị lữ hành ở một số tỉnh phía Bắc để nhận đơn đặt hàng với số lượng lớn. Sau khi nhận, CLB sẽ phân công công việc cho từng người, đảm bảo ai cũng có việc làm. Nhờ tay nghề cao mà sản phẩm của CLB luôn được bạn hàng đánh giá cao. Đến nay, khi có việc thường xuyên, nghề dệt thổ cẩm mang lại thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Những lúc ít việc, mọi người lại cùng nhau trao đổi, học hỏi để nâng cao tay nghề. Dù chưa phải là nguồn thu chính nhưng công việc này cũng giúp chị em có thêm đồng ra đồng vào, hơn hết là giữ được tình yêu với nghề dệt truyền thống.
Đến với làng Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), bên cạnh hình ảnh những ngôi nhà sàn cổ, người ta không khó để bắt gặp những bà cụ tóc bạc vẫn miệt mài quay sợi và vài người phụ nữ trung niên cặm cụi bên khung cửi. Chị Phạm Thị Hà, 32 tuổi cho biết: Từ nhỏ, chị đã quen với hình ảnh những người phụ nữ trong làng ngồi dệt vải. Khi đôi tay đã đủ sức để kéo sợi, chị được mẹ chỉ dạy cách dệt thổ cẩm nên rất thuần thục trong từng thao tác. Tình yêu với thổ cẩm ngày càng lớn dần trong cô gái trẻ. Cho đến nay, chị vẫn thường xuyên cùng chị em trong làng dệt vải để cung cấp trang phục cho người thân cũng như làm hàng hóa mang bán.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Xuân Lý, cán bộ văn hóa UBND xã Thạch Lập cho biết: Hiện nay nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã đã không thực sự thịnh hành, tuy nhiên, nhiều phụ nữ trong các thôn, làng vẫn rất nặng lòng với nghề. Họ mong muốn tiếp tục làm nghề để vừa lưu giữ nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng mình vừa tăng thêm thu nhập cho bản thân. Tại xã Lập Thắng, một tổ dệt thổ cẩm đã được thành lập với 8 thành viên, đa số đều là những người có tuổi và có tay nghề cao. Hàng ngày, thay vì hoạt động đơn lẻ, họ tập trung cùng nhau làm việc. Sản phẩm làm ra chưa nhiều, mối tiêu thụ cũng chưa thực sự ổn định nhưng các thành viên trong tổ đang rất tích cực để vừa kêu gọi thêm nhiều chị em tham gia, nhất là những người trẻ, vừa nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, kết nối với các đơn vị thu mua nhằm phát triển hơn nữa nghề truyền thống của địa phương mình.
Mô hình liên kết trong nghề dệt thổ cẩm hiện không phải là mới bởi trên địa bàn tỉnh từ lâu cũng đã có nhiều tổ, nhóm, CLB dệt thổ cẩm thuộc các xã miền núi. Hiệu quả thiết thực của các mô hình này không chỉ giải quyết công việc cho những lao động trong thời gian nhàn rỗi mà còn góp phần thiết thực vào việc lưu giữ giá trị văn hóa, những nét đẹp đặc sắc của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.