Lời kêu cứu từ quốc gia ở cuối vòng đời của thời trang nhanh

Yvette Yaa Konadu Tetteh muốn dùng kỳ tích bơi dọc sông Volta để thu hút sự chú ý vào những tác động của ngành buôn bán quần áo cũ từ bắc bán cầu tới Ghana.

Đó là giữa buổi sáng vào một ngày nắng đẹp, cơ thể Yvette Yaa Konadu Tetteh di chuyển lặng lẽ dọc theo làn nước trong xanh của sông Volta ở Ghana. Đây là chặng cuối của hành trình mà Tetteh đã vượt qua dài 450 km trong 40 ngày để trở thành người đầu tiên bơi hết chiều dài của con sông này.

Tetteh theo đuổi một mục đích cao cả: Tìm hiểu lòng sông và nâng cao nhận thức về ô nhiễm ở Ghana.

“Tôi muốn mọi người hiểu và đề cao giá trị chúng tôi có ở Ghana”

Khi người phụ nữ 30 tuổi này thực hiện hành trình, một đội đồng hành theo dõi cô trên chiếc thuyền chạy bằng năng lượng Mặt Trời, tên là "The Woman Who Does Not Fear" (tạm dịch: Người Phụ Nữ Không Sợ Hãi). Họ lấy các mẫu không khí và nước dọc hành trình để phân tích sau đó nhằm đo mức độ ô nhiễm.

 Tetteh với các mẫu nước được lấy trong hành trình bơi 450 km xuôi dòng sông Volta. Ảnh: Guardian.

Tetteh với các mẫu nước được lấy trong hành trình bơi 450 km xuôi dòng sông Volta. Ảnh: Guardian.

Họ hy vọng rằng sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý đến một số môi trường nguyên sơ ở Ghana, trái ngược với những nơi như đầm phá Korle ở thủ đô Accra, một trong những vùng nước ô nhiễm nhất trên Trái Đất.

“Tôi muốn mọi người hiểu và đề cao giá trị chúng tôi có ở Ghana”, Tetteh - nhà kinh doanh nông nghiệp người Anh gốc Ghana, nói. “Cách duy nhất tôi có thể bơi là vì nước [của sông Volta] còn sạch (hy vọng như vậy). Cư dân từng có thể bơi được ở đầm phá Korle nhưng nay không ai không muốn chạm vào bất cứ thứ gì ở đó”.

Hành trình bơi của Tetteh do Or Foundation hỗ trợ. Cô cũng là một thành viên ban quản trị của tổ chức này, chuyên tổ chức các chiến dịch chống lại rác thải dệt may ở Ghana, một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm nước ở quốc gia Tây Phi.

 Yvette Yaa Konadu Tetteh, cùng thuyền hỗ trợ "The Woman Who Does Not Fear", bơi dọc sông Volta ở Ghana. Ảnh: Guardian.

Yvette Yaa Konadu Tetteh, cùng thuyền hỗ trợ "The Woman Who Does Not Fear", bơi dọc sông Volta ở Ghana. Ảnh: Guardian.

"Tôi rất tức giận"

Ghana nhập khẩu khoảng 15 triệu món quần áo cũ mỗi tuần. Người dân địa phương gọi chúng là “obroni wawu” hay “quần áo của người da trắng đã khuất”. Vào năm 2021, Ghana nhập khẩu 214 triệu USD quần áo đã qua sử dụng, trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới của mặt hàng này.

Quần áo quyên góp đến từ các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ và Trung Quốc, được bán cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, và họ tiếp tục bán chúng cho các nhà cung cấp ở những nơi như chợ Kantamanto ở Accra, một trong những thị trường quần áo cũ lớn nhất thế giới.

Chợ Kantamanto là một khu phức hợp rộng lớn gồm hàng nghìn quầy hàng chất đầy quần áo đã qua sử dụng. Khi thời trang nhanh - mua quần áo giá rẻ và vứt bỏ khi xu hướng thay đổi - ngày càng phát triển, số lượng quần áo tung ra thị trường tăng lên trong khi chất lượng suy giảm.

Jacklyn Ofori Benson là một trong số khoảng 30.000 người phụ thuộc vào thị trường này để kiếm sống. Khi Guardian tới, bà đang rất tức giận. Sáng sớm hôm đó, khi mở kiện hàng ra, bà thấy trong đó đầy những chiếc quần short denim đã ố màu.

“Kiện hàng hôm nay giá rất cao. Trong đó có 230 món đồ nhưng phần lớn đều là rác. Tôi thấy nhiều vết máu”, bà Benson cho biết.

“Tôi rất tức giận và đã ném gần như tất cả đi”, bà cho biết thêm, đồng thời chỉ cho nhà báo của Guardian vài chiếc quần đùi bà vẫn cố gắng giữ lại với hy vọng bán được dù khóa kéo đã bị hư và có một số vết bẩn.

 Chợ Kantamanto ở Accra, một trong những thị trường quần áo cũ lớn nhất thế giới. Ảnh: Guardian.

Chợ Kantamanto ở Accra, một trong những thị trường quần áo cũ lớn nhất thế giới. Ảnh: Guardian.

Ở một góc khác của chợ, nhiều người đang làm công việc sửa quần áo second hand. Họ cắt áo thun và may cùng với các mảnh vải khác để tạo thành váy…

John Opoku Agyemang, người đứng đầu của Hiệp hội những Người lao động Kantamanto, đang cắt áo thun thành những dải vải và đưa cho thợ may. Ông xuất khẩu sản phẩm may mặc đến các nước châu Phi khác, bao gồm Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

Khi lần đầu tiên bắt đầu làm việc ở chợ cách đây 24 năm, ông Agyemang vẫn nhớ những ngày với những kiện hàng đều bán hết được. Bây giờ, khi ông mở một kiện, phải tới 70 món đồ không thể dùng được. “Vấn đề rác thải ngày càng nghiêm trọng. 12 năm rồi, hàng về đây không tốt, chúng tôi không bán được. Tôi cảm thấy rằng họ nghĩ châu Phi rất nghèo nên cung cấp cho chúng tôi hàng hóa chất lượng thấp và đồ thải của họ”, ông Agyemang nói.

Theo Or Foundation, khoảng 40% quần áo ở chợ Kantamanto bị thải bỏ. Một phần được các dịch vụ quản lý rác thải thu gom, một phần được đốt ở rìa chợ, trong khi phần còn lại được đổ tại các bãi chôn lấp tạm.

Bãi rác khổng lồ

Cách chợ khoảng 3,2 km là Old Fadama, một cộng đồng từng sôi động và thịnh vượng nhưng nay biến thành một bãi rác khổng lồ.

 Old Fadama là nơi trút bỏ rác thải quần áo không phép lớn nhất từ chợ Kantamanto. Ảnh: Guardian.

Old Fadama là nơi trút bỏ rác thải quần áo không phép lớn nhất từ chợ Kantamanto. Ảnh: Guardian.

Or Foundation cho biết đây là nơi trút bỏ rác thải quần áo không phép lớn nhất từ chợ Kantamanto. Khu vực này cũng là nơi tá túc của ít nhất 80.000 dân - nhiều người di cư từ miền Bắc Ghana, nơi khủng hoảng khí hậu khiến nông nghiệp bị tàn phá. Những ngôi nhà của họ được xây dựng trên rác.

Động vật gặm cỏ trên đống quần áo cũ và nhựa cao hàng mét. Một chiếc TV nằm giữa bùn đất. Những con chim lượn vòng trên đầu trong khi lũ ruồi bay sát mặt đất. Đầm phá Korle chảy qua đây, làn nước màu đen đục và chứa đầy chất thải, trên bờ la liệt đầy rác. Không khí mù mịt khói từ những đám cháy đốt chất thải. Những người thu gom rác nhặt chai nhựa, cho vào bao tải và đội trên đầu. Không ai có thể mở miệng cười nổi.

Korle Lagoon từng tươi đẹp. Alhassan Fatawu, một nhiếp ảnh gia 24 tuổi, chuyển đến Old Fadama khi còn nhỏ cùng mẹ. Anh vẫn nhớ mình đã bơi trong đầm phá Korle và chơi đùa trên bờ.

“Giờ đây tôi không thể đến gần đầm phá Korle. Nó giống như một hố tử thần. Mọi người từng đánh cá ở đó, nhiều canô qua lại và nhiều người mưu sinh ở đó”, Fatawu trải lòng.

“Một thập kỷ thật điên rồi trôi qua, họ đã đổ rác thải ở đó. Thật đáng buồn”, Anh nói thêm.

Đầm phá Korle chảy ra biển, và nhiều rác thải quần áo bị cuốn theo.

 Người đàn ông thu gom rác nhựa ở đầm phá Korle ở Accra. Ảnh: Guardian.

Người đàn ông thu gom rác nhựa ở đầm phá Korle ở Accra. Ảnh: Guardian.

Ở Jamestown, một bãi biển - kế bên dự án phát triển cảng khổng lồ do Trung Quốc tài trợ - bị bao quanh bởi những vách đá vướng đầy quần áo cũ. Không ai có thể ra tới sóng biển mà không phải bước qua đống quần áo và rác thải nhựa.

Ở một góc bãi biển, Thomas Alotey ngồi trên thuyền vá lưới đánh cá. Ông cảm thấy bế tắc. “Chúng tôi muốn thay đổi thực trạng nhưng không thể”, ông nói. “Tôi biết một số quần áo đến từ nước ngoài nhưng Ghana có trách nhiệm xử lý rác thải đúng cách”.

“Chúng tôi đang phải chịu đựng. Khi ra khơi đánh cá, nhưng trong lưới của tôi có nhiều quần áo cũ hơn là cá”, ông nói thêm.

Khoảng 130 km về phía đông, nơi Tetteh bắt đầu chặng bơi cuối cùng của mình, khung cảnh không thể đẹp hơn. Nước sạch và dễ chịu; hai bên bờ sông rợp bóng cọ, những bãi biển đầy cát, và chỉ có một chiếc canô nhỏ.

“Có những khúc sông thật tuyệt vời. Chúng tôi bắt gặp những hòn đảo nhỏ đầy cát, xung quanh là vùng nước yên tĩnh với nền trời xanh rực rỡ. Thật không thể tin được”, Tetteh nói về hành trình của mình.

Tuy nhiên, hành trình của đội đồng hành với Tetteh không phải là không có thử thách. Có những đêm, họ lênh đênh trên vùng nước giông tố giữa hồ Volta, hồ chứa nhân tạo lớn nhất thế giới, vì thuyền hết nhiên liệu; ruồi xê xê - gây chứng bệnh ngủ có nguy cơ gây tử vong - bay lượn xung quanh một cách đáng ngại; thuyền bị mắc kẹt trong bùn và nhóm trợ giúp bốn người cùng với một số ngư dân đi cùng phải mất ba giờ mới có thể di chuyển trở lại; và dòng chảy mạnh và sóng lớn cũng gây trở ngại đáng kể.

Tuy nhiên, vào trước 18h chiều 17/5, khi Mặt Trời lặn và bầu trời chuyển sang màu cam, vàng và đỏ, Tetteh bơi về phía bờ biển ở Ada, nơi sông Volta gặp Đại Tây Dương. Một đám đông tập trung để cổ vũ và chào đón cô. Tetteh bước ra khỏi dòng nước giữa tiếng trống truyền thống. Cô được một cặp vũ công hộ tống khi những người lớn tuổi trong cộng đồng tiến ra chào đón một cách trang trọng. Truyền thông Ghana đã đến ghi lại nghi lễ chào đón và chiến thắng của cả đoàn.

Tetteh nói: “Tôi rất hài lòng vì đã hoàn thành hành trình. Tôi rất thích thú khi nếm được vị muối trong nước. Trước đó, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không vượt qua được”, Tetteh chia sẻ.

 Tetteh muốn dùng hành trình của mình để thức tỉnh về những tác động của ngành buôn bán quần áo cũ từ bắc bán cầu tới Ghana. Ảnh: Guardian.

Tetteh muốn dùng hành trình của mình để thức tỉnh về những tác động của ngành buôn bán quần áo cũ từ bắc bán cầu tới Ghana. Ảnh: Guardian.

Hồng Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-kho-cung-cuc-o-cuoi-vong-doi-cua-thoi-trang-nhanh-post1437080.html