Lối thoát nào cho đàm phán Azerbaijan - Armenia?
Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, việc Azerbaijan và Armenia hòa đàm trực tiếp có thể mang tới hiệu quả tích cực hơn cho các cuộc đàm phán thông qua trung gian. Hòa đàm trực tiếp giữa hai nước thay vì phải thông qua một nước thứ ba cũng là mong muốn lâu nay của Azerbaijan. Thực tế đã chứng minh mong muốn này có kết quả tích cực.
Đàm phán hòa bình Azerbaijan - Armenia những ngày gần đây thu hút sự quan tâm và bình luận của giới chuyên gia quốc tế. Bình luận trên truyền thông quốc tế, nhà nghiên cứu cao cấp Robert M. Cutler thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu, Nga và Á - Âu, Đại học Carleton (Canada) cho rằng, thỏa thuận nhân đạo mà Azerbaijan và Armenia vừa đạt được mang tính biểu tượng ngoại giao vô cùng quan trọng. Thỏa thuận này cũng là lần đầu tiên Azerbaijan và Armenia đồng ý phối hợp về các vấn đề chung liên quan.
Một diễn biến tích cực khác trong căng thẳng Azerbaijan - Armenia gần đây là việc Armenia đã rút lại quyền ứng cử đăng cai Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) để ủng hộ nỗ lực của Azerbaijan trong việc được chọn là chủ nhà tổ chức sự kiện trọng đại này. Giới quan sát đánh giá, hành động của Armenia mang tính xây dựng và tiến bộ bậc nhất mà ngoại giao khí hậu từng thực hiện.
Trở lại với tiến bộ đáng kể khi Azerbaijan và Armenia đạt được thỏa thuận nhân đạo vừa qua, tuyên bố song phương của chính quyền hai nước nhấn mạnh, khía cạnh nhân đạo được thúc đẩy bởi các giá trị của chủ nghĩa nhân văn và như một cử chỉ thiện chí. Azerbaijan đồng ý thả 32 quân nhân Armenia, còn Armenia cũng có kế hoạch tương tự với 2 binh sĩ Azerbaijan.
Quan trọng hơn hết, giới chuyên gia cho rằng, thông qua tuyên bố chung, hai nước đã tái xác nhận ý định bình thường hóa quan hệ và cùng cố gắng đạt được hiệp ước hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tuyên bố song phương cũng cho biết, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin sâu sắc hơn và sẽ có hiệu lực trong tương lai gần. Đồng thời tác động tích cực đến toàn bộ khu vực Nam Caucasus.
Điểm đáng chú ý, thỏa thuận này được thực hiện trực tiếp giữa đại diện chính quyền của hai nước, thay vì thông qua các trung gian. Trong khi đó, tính đến giữa năm 2023, hầu hết các hoạt động hòa giải căng thẳng Azerbaijan - Armenia của bên thứ ba đều sụp đổ, ngoại trừ sáng kiến của Mỹ.
Theo đó, Mỹ tham dự vào căng thẳng Azerbaijan - Armenia vào đầu năm 2023, sau hơn 2 năm do dự sau cuộc chiến xảy ra vào năm 2020. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khởi xướng một cuộc gặp giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vào tháng 2/2023. Ông Blinken cũng làm trung gian hòa giải trong một cuộc đàm phán chuyên sâu giữa Ngoại trưởng hai nước Azerbaijan và Armenia vào tháng 5/2023. Đây là những sự kiện được dư luận quốc tế đánh giá là bước đột phá, thậm chí trở thành biểu tượng ngoại giao hiếm có.
Tuy nhiên, những tiến bộ đó, dù mang tính lịch sử nhưng vẫn chỉ được đánh giá là bề nổi. Trên thực tế, những người Mỹ gốc Armenia vẫn gây áp lực chống lại hòa bình thông qua ảnh hưởng mạnh mẽ của họ trong Quốc hội Mỹ. Điều này đã liên tiếp gây ra những “sóng gió” không đáng có trong căng thẳng Azerbaijan - Armenia, ngay sau khi Mỹ vừa đạt được các bước tiến quan trọng nêu trên.
Lý giải từ giới quan sát cho rằng, khi Mỹ làm trung gian cho căng thẳng Azerbaijan - Armenia, dễ thấy, yếu tố quan trọng quyết định sẽ nằm ở quan hệ Mỹ - Azerbaijan và quan hệ Mỹ - Armenia. Bất kỳ mâu thuẫn nào liên quan tới Mỹ cũng có thể khiến Azerbaijan và Armenia “đổ bể” các nỗ lực.
Ở góc độ tổng thể, giới chuyên gia bình luận, các nhà trung gian hòa giải cơ bản đều mong muốn gắn lợi ích của mình, thực tế đó khiến căng thẳng Azerbaijan - Armenia ngày càng bị phức tạp. Trong khi đó, việc hai nước đàm phán trực tiếp là giải pháp được Azerbaijan đề cao lâu nay. Với thỏa thuận mới này, có thể thấy, điều Azerbaijan mong muốn đã đạt được kết quả tích cực trên thực tế.