Lồng ghép chương trình nông thôn mới với giảm nghèo bền vững ở Như Xuân

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và giảm nghèo bền vững là hai trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đều hướng đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Nhận thấy mục tiêu của hai chương trình có sự tương đồng, huyện Như Xuân đã lồng ghép thực hiện để kết hợp các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả những mục tiêu chung.

Mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao tại vùng đồi thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (Như Xuân).

Từ nhiều năm trước, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân đã xác định công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Để nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, huyện đã đưa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM và chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là các chương trình trọng tâm, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 14,92%. Tháng 3 - 2018, huyện Như Xuân được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận là huyện đầu tiên của Thanh Hóa thoát nghèo theo Nghị quyết 30a. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tiếp tục giảm xuống còn 4,53%. Theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025, cuối năm 2021 số hộ nghèo tăng lên 16,94% và 19,02% hộ cận nghèo. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 13,41%, giảm 3,53% so với năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo là 17,21%, giảm 1,81% so với năm 2021.

Từ năm 2021 đến nay huyện Như Xuân tiếp tục lồng ghép 2 chương trình lớn nói trên để giảm nghèo cho Nhân dân. Theo đó, huyện ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù như: hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển hệ thống điện chiếu sáng công cộng; hỗ trợ khuyến khích XDNTM; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn...

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững được địa phương chú trọng. Hơn 2 năm qua huyện triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: trồng mới 24,8 ha chè nguyên liệu, 189 ha cây ăn quả, trong đó xoài 122,7 ha và chanh leo 24,2 ha phục vụ chế biến và xuất khẩu. Các cây ăn quả khác như cam, bưởi, ổi, thanh long... có thêm 42,1 ha. Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lũy kế đến nay đạt 1.323,5 ha, đang phát huy giá trị kinh tế. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ phát triển mạnh. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người toàn huyện đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 64 triệu đồng/ha, tăng 9 triệu đồng/ha so với năm 2020. Cùng thời điểm, huyện thực hiện 8 mô hình giảm nghèo tại 5 xã: Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Hòa và Thanh Sơn, hỗ trợ 150 con trâu/bò cho 150 hộ dân với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 1.531 hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền vay 82,25 tỷ đồng, 1.734 hộ cận nghèo cũng được vay vốn để phát triển sản xuất với tổng số vốn vay 103,5 tỷ đồng.

Những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn trong hơn 2 năm qua cũng giúp huyện nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên 55%, giải quyết thêm việc làm cho 2.852 lao động, trong đó có hơn 400 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo. Khoảng 500 lao động khác được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động, gửi nguồn ngoại tệ về giúp nhiều gia đình có vốn phát triển kinh tế, trong đó có 98 lao động thuộc đối tượng gia đình là hộ nghèo.

Năm 2023, huyện Như Xuân phấn đấu giảm 3,25% hộ nghèo, tương đương giảm 540 hộ; phấn đấu giai đoạn 2023-2025 bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 3%. Vì vậy, hiện nay huyện đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Huyện cũng ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông - lâm sản, mộc dân dụng, gỗ băm dăm, gỗ ván ép, đá xẻ xuất khẩu... mà huyện có lợi thế. Các chương trình vẫn được lồng ghép trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huy động tối đa nguồn lực của địa phương, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/long-ghep-chuong-trinh-nong-thon-moi-voi-giam-ngheo-ben-vung-o-nhu-xuan/186368.htm