Lòng ta bến đò xưa

Câu thơ của cố thi sĩ Bích Khê níu tôi về với câu chuyện kể ấu thời của người bạn, nói về những chuyến đò ngày thơ bé, khi được mẹ dắt tay xuống bến sông, qua đò về quê ngoại.

Câu thơ ấy, một ngày tôi bắt gặp được viết trên một tảng đá lớn ở khu tưởng niệm của Bích Khê, làng Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi: “Trăng sáng giữa trời trong/Soi về miền cổ độ/Lòng ta bến đò xưa/Bóng trăng sao chẳng tỏ?”.

Bến đò ấy, đối với người bạn là một vùng kỷ niệm mấy chục năm theo suốt cuộc đời, cho đến ngày mẹ ra đi về miền mây trắng. Chỉ vài nét nhắc lại, khiến tôi hình dung cô bé tóc ngắn ngang vai, áo hoa xôn xao náo nức sắp được gặp đấng sinh thành của người mẹ hiền yêu dấu. Con đường đến bến đò ấy dài lắm, qua bao chặng đường đi bộ hoặc vài chuyến xe, có thể phải thức dậy từ rất sớm, có thể đêm trước không ngủ được và có thể miên man nghĩ suy bao thứ để gói trong ba chữ rất gọn gàng: “Về quê ngoại”!

Đò xuôi một nhánh sông Hương. Ảnh: T.T.B

Đò xuôi một nhánh sông Hương. Ảnh: T.T.B

Rồi một ngày, khi mẹ mất, bạn lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của bác sĩ - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, trong nỗi nhớ lặng thầm: “Con cài bông hoa trắng/Dành cho mẹ đóa hồng/Mẹ nhớ gài lên ngực/Ngoại chờ bên kia sông”. Biết rằng, bến đò ngày xa lắc ấy giờ không còn nữa, nhưng bến đò trong tâm tưởng thì bao giờ phai được?

Mới đây, ngày mưa bão ngoài kia, một người bạn khác nói chuyện với tôi, như nối tiếp bằng một dấu gạch ngang cuộc đời bốn chục năm. Rằng, năm ấy bạn vừa lên chín, được mẹ cho về quê ngoại thì bão ập vào. Hình ảnh ông cậu đổ bóng liêu xiêu cột lại chiếc đò, rồi từ bến sông chạy về nhà suýt bị gió lùa đi, may mà vớ níu được gốc cây mít góc vườn. Đứng đó chịu trận, chờ lúc ngớt gió một chốc mới chạy được vào nhà. Bạn kể chuyện ấy, để link (dẫn dắt) vào câu chuyện những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) suýt bị bão lùa xuống sông, may mà có đoàn xe tải chạy chậm, kết lại để che chắn cho đồng bào mình, dìu họ qua cầu được bình yên. Ký ức ấy, trong vùng hoài niệm của người bạn đã điểm xuyến vào rất nhiều câu chuyện tôi từng thấy ở các bến sông quê nhà, mỗi mùa mưa gió đến.

Tôi cũng đã đi qua bao chuyến đò trong cuộc đời mình nhưng cái bến sông hiu hắt trong chiều, chiếc đò chở vài ba người phụ nữ về chợ, quang gánh xếp một góc với bao thứ lỉnh kỉnh và những câu chuyện yêu thương đàn con đang chờ mẹ ở nhà với gói quà tấm bánh… lại là một mô típ khá giống nhau ở bất cứ bến sông nào. Chỉ khác chăng, là con đò ấy qua sông mùa hạ hay mùa thu, xuân về hay đông tới. Cho đến ngày tôi ngẩn ngơ với đoạn thơ trên đọc được bên bờ sông Vệ với câu hỏi đau đáu ở câu kết của thi sĩ tài hoa xứ Quảng Ngãi. Biết đến bao giờ và ai trả lời nổi?

Bây giờ, có mấy bến sông còn những chuyến đò? Và có mấy ai ví von vào thơ hay như thế được nữa khi một thế hệ thi nhân đã ghi khắc tên mình vào cõi lòng của bao người, nay hầu hết đều đã ra đi, gửi lại cuộc đời này những câu hỏi truyền kiếp mà không đợi đến câu trả lời. Chỉ để đời sau cảm thấu và rốt cuộc nhận ra rằng, chắc cũng không nên có câu trả lời nào cụ thể được cho trăn trở của một đời thơ, như Bích Khê!

Một ngày, về Huế. Tôi đi ngang qua một nhánh của sông Hương. Một con đò chơi vơi và suốt dọc nhánh sông ấy, tôi chẳng tìm ra được bến nào. Hóa ra, có rất nhiều nhánh sông chia ra từ dòng sông cái, mà mái chèo cứ khua mãi cho đến khi tấp vào một nơi nào đó. Rồi tôi nghĩ ấy chính là bến, từ nơi đó con đò rời đi. Những con người lam lũ chợ sớm chợ chiều biết chắc là mình sẽ gọi đò ở đâu, để lại trở về lúc chiều muộn.

Đành nghĩ, câu ví “lòng ta bến đò xưa” của Bích Khê cũng như dấu lặng khắc khoải, nên tôi mạo muội viết bài lục bát “Với con đò Huế”, với hai câu kết như đóng như mở: “Thôi nhờ đò quạt mái chèo/Để qua sông với bọt bèo, lênh đênh”.

Có lẽ, ấy cũng là bến đời!

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/long-ta-ben-do-xua/