Lớp học tiếng Khơ Mú ở bản Thàn

Hơn 3 tháng nay, cứ đến 8 giờ tối, tại Nhà văn hóa bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu), lại vang lên tiếng đọc bài của lớp học tiếng Khơ Mú do ông Hà Văn Trâm đứng lớp. Lớp học đơn sơ, mộc mạc, nhưng ngập tràn tâm huyết của 'thầy giáo' năm nay đã gần 70 tuổi.

Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa bản Thàn vào 8 giờ tối, chứng kiến không khí học tập sôi nổi, hào hứng của các em học sinh từ 7-15 tuổi; một số em nữ mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú làm cho lớp học càng thêm ấn tượng. Nhìn các em say sưa đánh vần, phát âm, mới thấy được những nỗ lực trong việc truyền cảm hứng học tiếng Khơ Mú của “thầy giáo" Trâm.

Lớp học tiếng Khơ Mú do "thầy giáo" Trâm đứng lớp.

Lớp học tiếng Khơ Mú do "thầy giáo" Trâm đứng lớp.

Tranh thủ trò chuyện lúc nghỉ giải lao, “thầy giáo” Trâm chia sẻ: Huyện Yên Châu chỉ có duy nhất bản Thàn, xã Chiềng Pằn là có người Khơ Mú sinh sống, với 57 hộ, 290 nhân khẩu. Người dân bản Thàn luôn tích cực giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Do sống gần với các bản của người dân tộc Thái nên người Khơ Mú rất thành thạo ngôn ngữ của dân tộc Thái và sử dụng như tiếng phổ thông để trao đổi công việc, giao tiếp hằng ngày, còn lớp trẻ đi học lại quen sử dụng tiếng phổ thông. Bởi thế, tiếng Khơ Mú đang dần bị mai một (người Khơ Mú không có chữ viết riêng), chỉ những người già, trung niên còn sử dụng. Trăn trở, suy nghĩ làm sao để lưu giữ được tiếng nói riêng của dân tộc mình, tôi xin ý kiến Chi bộ, Ban quản lý bản, các đoàn thể họp bản, kêu gọi mọi người học tiếng Khơ Mú. Mừng nhất là lớp học miễn phí này có rất đông các cháu tham gia học tập.

"Thầy giáo" Trâm say sưa giảng bài.

"Thầy giáo" Trâm say sưa giảng bài.

Thế là từ cuối tháng 7, cứ từ 20 đến 22 giờ ngày thứ 3,5,7 hằng tuần, lớp học duy trì trên 30 em tham gia học tiếng Khơ Mú. Vào dịp hè, không chỉ có học sinh cấp 1 đến cấp 3 mà còn có cả các em sinh viên của bản đi học đại học, cao đẳng ở Hà Nội về nghỉ hè cũng tham gia học, có thời điểm lớp học lên đến 45 học viên. Vào năm học mới, lớp học được bố trí học thứ 7 và chủ nhật để các em có thời gian ôn tập các môn học tại trường.

Những học viên nhỏ tuổi rất chăm chú lắng nghe "thày giáo" giảng bài.

Những học viên nhỏ tuổi rất chăm chú lắng nghe "thày giáo" giảng bài.

Được biết, cách phát âm tiếng Khơ Mú rất khó (khi đọc phải uốn lưỡi và kéo dài) nên “thầy giáo” Trâm phải lên giáo án chi tiết cho chương trình dạy học, ông phiên âm 227 từ thường xuyên sử dụng trong giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày ra tiếng phổ thông, tiếng Thái; lúc giảng bài phát âm từng từ để các cháu dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, ông còn lấy toàn bộ tiền tài trợ của Hội Bảo tồn văn hóa dân tộc Yên Châu để photo sách cho các cháu theo học.

Em Hà Thị Tiền (7 tuổi) thật thà nói: Ở nhà thỉnh thoảng thấy bố mẹ nói tiếng Khơ Mú, nhưng cháu không hiểu, được học tiếng Khơ Mú, bây giờ cháu đã biết các từ để giao tiếp với bố mẹ rồi, cháu vui lắm!. Còn em Lừ Văn Tuyên (13 tuổi) cho hay: Là người dân tộc Khơ Mú mà không biết nói tiếng của dân tộc mình, em thấy rất xấu hổ lắm. Hơn 3 tháng theo học, được thầy giáo dạy tận tình, giờ em đã có thể đọc và giao tiếp được những từ Khơ Mú đơn giản rồi.

"Thầy giáo" Trâm hướng dẫn các em đọc tiếng Khơ Mú.

"Thầy giáo" Trâm hướng dẫn các em đọc tiếng Khơ Mú.

Các em nhỏ hào hứng trong lớp học tiếng Khơ Mú.

Các em nhỏ hào hứng trong lớp học tiếng Khơ Mú.

Dù mới hoạt động nhưng lớp học tiếng Khơ Mú đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, những lớp thanh thiếu niên dân tộc Khơ Mú hiểu và tự hào hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của ông cha để lại.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lop-hoc-tieng-kho-mu-o-ban-than-35260