Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại trên 3 nghìn tỷ đồng
Thiên tai ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó đáng lo ngại nhất là hiện tượng trượt lở đất, đá, lũ quét xảy ra thường xuyên, gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái.
Sáng nay (20/8), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, Ban chỉ huy PCLB các tỉnh từ Nghệ An trở ra và các tỉnh miền núi phía Bắc về chuyên đề phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2014 – hiện tượng thiên nhiên được coi là gây thiệt hại lớn nhất trong các loại thiên tai ở nước ta.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, từ năm 2000 đến 2014, đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư. Các đợt lũ này khiến 646 người chết và mất tích, gần 351 người bị thương; hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập… tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.
Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận.
Thiệt hại do lũ quét, trượt lở đất được tổng kết chủ yếu do các nguyên nhân khách quan, như mưa cường độ lớn tập trung trong một thời gian ngắn tại những khu vực có độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, thiệt hại xảy ra do tác động từ hoạt động phát triển kinh tế của con người, do sự chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết về thiên tai. Điển hình là việc bạt núi mở đường chưa đáp ứng độ ổn định tạo nguy cơ sạt trượt; khai thác khoáng sản, gỗ; xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, làm cầu qua sông, suối... đã đào bới đất đá gây cản trở, ách tắc đường thoát lũ...
Cùng với đó, việc san lấp sông, suối để xây dựng công trình gây tắc ngẽn dòng chảy, các khu vực dòng suối bị co hẹp; xây nhà ở khu vực khe suối, sườn dốc, chân đồi, núi, chân taluy đường giao thông, vùng trũng thấp; ý thức của người dân về phòng chống thiên tai còn thấp... cũng làm gia tăng thiệt hại trong lũ.
Thực tế, lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở các địa phương trên toàn quốc, với quy mô không lớn nhưng khó dự báo chính xác. Do đó, công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, biểu hiện rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu là nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và lượng mưa thay đổi. Hệ quả tiếp theo là sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan, cả về tần suất và cường độ, như bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố, lốc…
Biến đổi khí hậu có khả năng sẽ làm cho các thiên tai nói trên trở nên khắc nghiệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xóa đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển. Những vùng/khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.