Lừa đảo bằng AI ngày càng tinh vi hơn

Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền đang có xu hướng gia tăng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt thời gian gần đây đã xuất hiện những đối tượng sử dụng công nghệ AI mạo danh lãnh đạo các công ty chứng khoán nhằm trục lợi.

Trên thế giới, nhiều công ty đã phát đi cảnh báo kêu gọi các nhà đầu tư nâng cao cảnh giác về vấn đề trên, đơn cử như sàn chứng khoán quốc gia của Ấn Độ (NSE). Mới đây, một video giả mạo bằng AI có xuất hiện hình ảnh và giọng nói của ông Ashishkumar Chauhan, Tổng giám đốc NSE đưa ra chỉ dẫn về việc mua cổ phiếu, kêu gọi đầu tư.

Ngay đầu năm nay, Tập đoàn Quản lý tài sản ICICI Prudential cũng đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư mới trước những video của đại diện cơ quan này bị làm giả, quảng cáo chứng khoán trên thị trường.

Chiêu thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi

Tại Việt Nam, nhiều công ty, tập đoàn lớn cũng liên tục phát đi những cảnh báo về việc bị các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao. Mới đây, Công ty chứng khoán SSI đã thông tin về việc này. Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội mạo danh, sử dụng công nghệ AI để giả mạo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI, tại SSI để livestream tư vấn đầu tư.

Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa

Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh minh họa

Không chỉ SSI, nhiều công ty chứng khoán khác như MBS, VNDirect hay các quỹ đầu tư thời gian qua cũng liên tục khuyến cáo về vấn đề này. Thậm chí các đối tượng còn giả mạo cơ quan nhà nước để lừa, từ UBND các địa phương, đến bộ, ngành. Bộ Tài chính bị đối tượng giả mạo văn bản, con dấu và website (trang thông tin) để lừa người dân chuyển tiền.

Ông Chu Hiếu, giám đốc đầu tư Công ty Cú Thông Thái cho biết, đầu tháng 4/2024, doanh nghiệp của ông từng gặp một vài tình huống liên quan đến lừa đảo mà có sử dụng AI. Theo số liệu công ty ông Chu Hiếu thu thập, từ năm 2022 đến nay, các vụ lừa đảo liên quan đến AI đã tăng đáng kể, cuối năm ngoái, số vụ báo cáo liên quan đến lừa đảo sử dụng AI đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, video giả mạo CEO của một công ty lớn quảng cáo cơ hội đầu tư "siêu lợi nhuận". Ngay sau đó, video này được chia sẻ trên mạng xã hội và phát tán rất nhanh, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang và thậm chí có người suýt chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo.

“Rất may là nhờ vào hệ thống cảnh báo bảo mật và sự nhanh nhạy của đội ngũ IT, chúng tôi đã kịp thời phát hiện và thông báo đến các nhà đầu tư của mình”, ông Chu Hiếu nói.

Bên cạnh đó, giám đốc đầu tư Công ty Cú Thông Thái cũng cho biết đơn vị này còn phát hiện những Email phishing (lừa đảo qua email) với nội dung tương tự. Những Email này giả mạo địa chỉ hộp thư của các lãnh đạo công ty, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản giả mạo để "đầu tư nhanh" vào các dự án không có thật. Đáng chú ý, các kẻ lừa đảo này đã sử dụng AI để tạo ra các video và email rất khó phân biệt với thông tin thật.

“Chúng tôi nhận thấy rằng với sự phát triển nhanh chóng của AI, những chiêu thức lừa đảo này ngày càng trở nên tinh vi hơn. Có thể dễ dàng giả mạo mặt và giọng của người nổi tiếng để phát tán thông tin hàng loạt vào thời điểm thị trường nhạy cảm nhưng tin tăng lãi suất, các gói kích cầu, bầu cử và làm hàng hoạt nhà đầu tư dễ bị hoảng loạn và phản ứng theo”, ông Chu Hiếu nhận định.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cần cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo giọng nói và hình ảnh giả mạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cần cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo giọng nói và hình ảnh giả mạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tương tự, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia điều tra số tại Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông cũng cho rằng sự phát triển của AI giúp việc giả mạo trở nên tinh vi hơn và khó nhận ra bằng mắt thường, đặc biệt là trong các tình huống mà nhà đầu tư dễ bị cuốn vào bối cảnh đầu tư nhanh chóng và nhạy cảm.

“Rủi ro lớn nhất đến từ việc các kẻ xấu có thể sử dụng hình ảnh và thông tin cá nhân của lãnh đạo công ty để xây dựng các kịch bản lừa đảo thuyết phục, từ đó lừa nhà đầu tư chuyển tiền hoặc thực hiện các giao dịch không hợp lệ”, ông Ngô Minh Hiếu chia sẻ

Nhà đầu tư cần tỉnh táo và thận trọng hơn

Trước thực tế của tội phạm công nghệ cao và các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng, trên sàn chứng khoán bằng AI gia tăng trong thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã yêu cầu các công ty chứng khoán, tăng cường quản lý người hành nghề chứng khoán, trước đó đơn vị này cũng từng phải cảnh báo tới các nhà đầu tư về việc bị mạo danh.

Ông Chu Hiếu, Giám đốc đầu tư Công ty Cú Thông Thái khuyến cáo, các nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo. Một số dấu hiệu rất dễ nhận ra như khi thấy một video hoặc Email hứa hẹn mức lợi nhuận quá cao, như 30% trong thời gian ngắn, hoặc những cơ hội đầu tư không có rủi ro, đó có thể là dấu hiệu của một trò lừa đảo.

Việc kiểm tra nguồn gốc của thông tin là cực kỳ quan trọng. Nếu bỗng nhiên nhận được thông tin đầu tư qua Email hoặc mạng xã hội, cần kiểm tra xem nguồn tin đó có đến từ kênh chính thức của công ty hay không.

“Chúng tôi khuyến cáo nhà đầu tư sử dụng các phần mềm bảo mật email, xác thực hai yếu tố (2FA), và cập nhật liên tục các cảnh báo lừa đảo từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hiện chúng tôi phải đầu tư thêm vào an ninh mạng và tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch”, ông Chu Hiếu cho biết thêm.

Chuyên gia điều tra số tại Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông Ngô Minh Hiếu cũng chia sẻ về dấu hiệu để nhận diện các kẻ lừa đảo khi thường sử dụng các nền tảng không chính thống để lan truyền thông tin giả.

“Một dấu hiệu phổ biến của các vụ lừa đảo là việc đối tượng lừa đảo tạo ra cảm giác khẩn cấp, yêu cầu nhà đầu tư phải ra quyết định nhanh chóng. Đừng để bản thân bị áp lực bởi những yêu cầu này, hãy luôn dành thời gian kiểm tra và xác minh thông tin”, ông Ngô Minh Hiếu khuyến cáo.

Ngoài ra, ông Ngô Minh Hiếu cũng nhận định rằng deepfake mặc dù rất tinh vi nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy video hoặc âm thanh không tự nhiên, như giọng nói bị méo, hình ảnh chuyển động không khớp hoặc nét mặt không tự nhiên.

Bởi vậy các nhà đầu tư có thể sử dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như xác thực đa yếu tố để bảo vệ tài khoản của mình khỏi các cuộc tấn công liên quan đến AI. Nhà đầu tư và doanh nghiệp cần phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nhất là việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng; Đào tạo nhân viên và đối tác về các mối nguy từ AI và deepfake.

“Doanh nghiệp nên đầu tư vào các công nghệ xác thực sinh trắc học và xác thực đa yếu tố; Sử dụng các công cụ phát hiện deepfake, đồng thời liên tục theo dõi các thông tin bị rò rỉ hoặc dấu hiệu bị giả mạo trên mạng”, ông Ngô Minh Hiếu nói.

Ka Mi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/lua-dao-bang-ai-ngay-cang-tinh-vi-hon-313773.html