'Lục địa già' trước mối lo khủng bố

Sau vụ tấn công tại Áo gần đây và loạt vụ tấn công bằng dao tại Pháp trước đó làm nhiều người thương vong, mối lo ngại về khủng bố lại dấy lên ở châu Âu trong bối cảnh tình trạng bạo lực cực đoan đang có xu hướng gia tăng...

Trong vụ tấn công tại Áo mới đây làm 26 người thương vong, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm gây ra vụ xả súng đẫm máu ở trung tâm thành phố Vienna. Một trong những tay súng gây tội ác được xác định là phần tử Hồi giáo cực đoan có tên Kujtim Fejzulai, 20 tuổi, từng bị kết án 22 tháng tù giam vào năm 2019 vì đã cố gắng liên lạc và gia nhập IS tại Syria. Còn tại Pháp trước đó đã xảy ra một loạt vụ giết người man rợ bằng cách cắt cổ, phương thức gây tội ác của những phần tử khủng bố cực đoan từng reo rắc nỗi sợ hãi nhiều năm về trước. Trong những năm gần đây, Pháp-nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu đã phải hứng chịu một loạt các cuộc tấn công bạo lực.

An ninh được siết chặt tại thủ đô Vienna (Áo) sau vụ tấn công khủng bố làm 26 người thương vong. Ảnh: Getty Images

An ninh được siết chặt tại thủ đô Vienna (Áo) sau vụ tấn công khủng bố làm 26 người thương vong. Ảnh: Getty Images

Sau vụ tấn công tại Áo, giới chuyên gia cho rằng một mạng lưới khủng bố cực đoan đang được mở rộng ngoài biên giới Áo. Một loạt các vụ điều tra, khám xét và bắt giữ liên quan tới vụ tấn công ở Áo đã được thực hiện ở các nước châu Âu khác, bao gồm vụ bắt giữ 2 người ở Thụy Sĩ và khám xét nơi ở của các phần tử tình nghi ở Đức. Tại Bỉ, sau vụ tấn công tại Áo, cảnh sát đã bắt giữ 2 đối tượng 16 tuổi và 17 tuổi, với cáo buộc dính líu với tổ chức khủng bố IS và âm mưu tấn công cảnh sát bằng dao. Đài phát thanh và truyền hình nhà nước RTBF (Bỉ) cho biết đã ghi hình được 2 thiếu niên trên đang thề trung thành với IS.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer nhấn mạnh, các nhà chức trách đang tiếp tục tiến hành những biện pháp cứng rắn nhất nhằm vào những phần tử bị cáo buộc là đồng phạm, hỗ trợ khủng bố cũng như mạng lưới khủng bố. Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cũng cảnh báo nguy cơ cao có thể xảy ra tấn công bất cứ lúc nào.

Trước nguy cơ khủng bố và bạo lực cực đoan gia tăng ở châu Âu, Đức và Pháp đang kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen của EU. Phát biểu trong chuyến thăm khu vực biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ tăng cường kiểm soát biên giới bằng cách tăng gấp đôi lực lượng tuần tra biên giới lên 4.800 người. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết việc tăng cường kiểm soát biên giới cũng sẽ nhằm vào hoạt động nhập cư trái phép trong bối cảnh "mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng".

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer và người đồng cấp Pháp Gérald Darmanin thông báo với vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Đức sẽ đưa vấn đề hợp tác chống khủng bố vào chương trình nghị sự của Hội nghị các Bộ trưởng nội vụ EU, dự kiến nhóm họp vào ngày 13-11. Hội nghị sẽ bàn thảo vấn đề làm thế nào để cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các nước về các đối tượng khủng bố, đe dọa khủng bố hoặc bạo lực cực đoan.

Tuy nhiên, nỗ lực hợp tác chống khủng bố của châu Âu đang vấp phải những khó khăn do chính những bất đồng nội bộ của những nước thành viên mà một trong những vấn đề đó là các nước EU không tin tưởng lẫn nhau, dẫn tới việc hạn chế chia sẻ thông tin với nhau, đặc biệt là các cơ quan tình báo. Các chuyên gia cho rằng, các vụ tấn công khủng bố thường được chuẩn bị từ trước ở nước ngoài, thủ phạm gây ra tội ác thường chạy trốn xuyên biên giới, nên một quốc gia riêng lẻ sẽ không thể phản ứng hiệu quả trong nỗ lực chống khủng bố. Chuyên gia nghiên cứu về khủng bố và an ninh Alexander Ritzmann tại Hiệp hội Chính sách Đối ngoại Đức (DGAP) cho rằng, việc tích cực trao đổi dữ liệu và thông tin là chìa khóa cho sự hợp tác thực sự của EU chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Sau các vụ khủng bố vào đầu những năm 2000 như vụ ở London (Anh) hay Madrid (Tây Ban Nha), các nước EU tuyên bố họ sẽ hào phóng hơn trong việc chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, tuyên bố là vậy nhưng châu Âu vẫn chưa có một quy định ràng buộc cụ thể cho việc này, nên nguyên tắc bất thành văn vẫn là “cần thiết thì mới được biết”. Điều đó có nghĩa là, ở châu Âu, chỉ những thông tin khẩn cấp và cần thiết mới được chia sẻ.

Trong nỗ lực chung chống khủng bố, các nước châu Âu cũng đang tìm cách chặn đứng dòng tiền dành cho các tổ chức khủng bố cực đoan. Đức đã đưa ra dự thảo về chống rửa tiền cũng như tài trợ khủng bố và muốn đạt được một thỏa thuận chính trị với các nước thành viên về vấn đề này. Dự thảo này nhằm cung cấp cho Ủy ban EU một hướng dẫn chính trị cho các đề xuất lập pháp vào năm 2021. Và trong trường hợp này, việc chia sẻ thông tin là rất cần thiết giữa các nước thành viên để có thể theo dõi những dòng tiền nguy hiểm này.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/luc-dia-gia-truoc-moi-lo-khung-bo-643165