'Luồng sinh khí' mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Vấn đề chuẩn bị triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) là một trong những nội dung trọng tâm công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong năm 2020. Để thông tin đến bạn đọc các nội dung xoay quanh Chương trình được kỳ vọng sẽ là 'luồng sinh khí' mới cho sự phát triển, bộ mặt của vùng DTTS và miền núi, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT về vấn đề này.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: Linh Đan

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: Linh Đan

- Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được coi là dấu mốc lịch sử đối với người dân vùng DTTS và miền núi. Vậy đồng bào được thụ hưởng những gì từ Chương trình này, thưa đồng chí?

- Chương trình đặt mục tiêu sau 5 năm thực hiện giải quyết đất ở cho 17.410 hộ; giải quyết nhà ở cho 18.338 hộ, tạo sinh kế cho 321.534 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 236.661 hộ; xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung (cung cấp nước sinh hoạt cho trên 32.000 hộ). Sắp xếp, ổn định dân cư cho 17.429 hộ DTTS chưa được ổn định thuộc diện di cư tự phát; định canh, định cư bền vững cho 9.357 hộ DTTS; bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và khu vực nguy cơ cao về thiên tai cho 54.856 hộ.

Thực hiện Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho hơn 5.000 em học sinh DTTS khó khăn/năm; phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế cho tối thiểu 4.200 phụ nữ trong thai kỳ và sinh con; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS và miền núi; dạy nghề cho hơn 2 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 4 triệu hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.800km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; đầu tư xây mới 19 trạm y tế xã chưa kiên cố; đầu tư cải tạo, sửa chữa 294 trạm y tế xã chưa kiên cố, xuống cấp, hư hỏng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 224.900 cán bộ, công chức, viên chức... Từ đó, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

- Trong năm vừa qua, UBDT đã triển khai những hoạt động gì để sớm đưa Chương trình vào thực tiễn đời sống của bà con vùng DTTS và miền núi, thưa đồng chí?

- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBDT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, cầu thị và đã thu được kết quả bước đầu. Trong năm vừa qua, UBDT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025.

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương của Chương trình. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình... Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gồm 10 dự án để thực hiện từ năm 2021. Hiện nay, UBDT đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặt khác, UBDT căn cứ các nội dung của đề án đã được Chính phủ thông qua để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương, nghiên cứu xây dựng tiêu chí xác định nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Dự thảo tiêu chí đã trình Thủ tướng Chính phủ.

- Vấn đề truyền thông, tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nội dung mà Chương trình hướng tới. Trong thời gian tới, UBDT sẽ có giải pháp trọng tâm nào để thực hiện có hiệu quả nội dung này trong thực tiễn, thưa đồng chí?

- Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng to lớn của công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngay trong quá trình xây dựng Chương trình, UBDT luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài mang tính chiến lược trong việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, trong 10 dự án của Chương trình, có dự án 10 là “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình”. Trong dự án 10, có nội dung “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS”.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, trong thời gian tới, UBDT xác định tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền tại vùng DTTS và miền núi; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; cấp radio cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới..., đồng thời, xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển đủ năng lực thông tin tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đầu tư cho Đài Phát thanh-Truyền hình Sóc Trăng, Ninh Thuận đáp ứng được yêu cầu phục vụ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm...

- Công tác phối hợp giữa UBDT và BĐBP có vai trò ra sao khi chúng ta triển khai Chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này, thưa đồng chí?

- Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa UBDT và Bộ Tư lệnh BĐBP đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, động viên đồng bào các DTTS tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo, qua đó, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, An ninh nhân dân gắn với thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Triển khai xây dựng Chương trình, UBDT và BĐBP sẽ phối hợp xây dựng nội dung Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế-xã hội, mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng DTTS và miền núi. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với mục tiêu xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược... Thông qua các hoạt động của dự án, triển khai công tác dân vận của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền và tuyên truyền đặc biệt, ổn định tình hình mọi mặt để người dân yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo và tiến tới làm giàu trên chính quê hương của mình, từ đó, hạn chế nạn di cư tự do, tệ nạn ma túy... gây bất ổn về an ninh chính trị trên các tuyến biên giới.

Mặt khác, con em đồng bào các xã biên giới khu vực đồng bào DTTS và miền núi có hoàn cảnh khó khăn được các đồn Biên phòng nhận nuôi sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt và học tập hằng tháng (12 tháng/năm) như chế độ học sinh các trường dân tộc nội trú từ khi được nuôi tại đồn Biên phòng đến đủ 18 tuổi. Con em đồng bào các xã biên giới khu vực đồng bào DTTS và miền núi có hoàn cảnh khó khăn được các đồn Biên phòng hỗ trợ chăm sóc tại gia đình được hưởng trợ cấp như chế độ học sinh bán trú vùng đồng bào DTTS và miền núi từ khi được nhận hỗ trợ đến đủ 18 tuổi.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Linh Đan (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luong-sinh-khi-moi-cho-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post437007.html