Lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng của người Pà Thẻn
Tại tuyên Quang người Pà Thẻn sinh sống ở huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, đã từ rất lâu dân tộc Pà Thẻn ở hình thành và lưu giữ được một nền văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó đáng nói đến là nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nét văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và cũng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Pà Thẻn nơi đây.
Để có được một bộ trang phục cầu kỳ thì các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn hoặc váy. Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ. Màu đỏ trong trang phục của người Pà Thẻn được ví như màu của con chim lửa.
Cuộc sống của người Pà Thẻn gắn liền với thiên nhiên, với những nét riêng độc đáo trong phong tục, tập quán và cách sinh hoạt văn hóa. Cùng với các dân tộc ít người khác trên địa bàn huyện Lâm Bình, người Pà Thẻn có những đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú thể hiện sự gắn bó trong cộng đồng dân cư.
Theo thời gian, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều nét văn hóa độc đáo của người Pà Thẻn, trong đó có trang phục truyền thống có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Trước thực trạng đó, Bà Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình đã có cách làm sáng tạo, đó là mở lớp dạy nghề miễn phí cho chị em hội viên biết cách dệt và tạo ra một bộ trang phục hoàn chỉnh của dân tộc mình. Mỗi sản phẩm dệt bao hàm trong đó không chỉ là sự sáng tạo, tính nghệ thuật mà còn chất chứa cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của con người Pà Thẻn. Ngày nay, thế hệ trẻ rất ít người biết tự làm ra trang phục của dân tộc mình, vì thế những thế hệ đi trước muốn truyền lại cho đời sau nhằm giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống để nó luôn hiện hữu trong đời sống, không bị mai một theo thời gian.
Chị Triệu Thị May ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) cho biết, theo phong tục người Pà Thẻn, trước khi cưới, người con gái phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới mặc trong ngày cưới. Vì vậy, ngay từ khi còn bé (khoảng 5, 6 tuổi), các chị đã được bà, mẹ dạy cách dệt, thêu trang phục. Mỗi năm, 1 người phải tự tay thêu 1-2 bộ quần áo để diện trong ngày Tết và để sau này về nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ Pà Thẻn ở Hồng Quang hầu như ai cũng biết dệt vải và may quần áo. Trang phục phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công. Để hoàn thành 1 bộ váy áo phải mất 3 tháng dệt vải, nhuộm, khâu bằng tay, sau đó thêu trang trí thêm các họa tiết. Những thành phần cơ bản của bộ trang phục gồm váy, áo, khăn đội đầu xếp nhiều lớp, thắt lưng. Màu sắc chủ đạo của trang phục là đỏ, đen và trắng.
Cũng như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Yếm có hình vuông, thêu hoa văn màu đỏ, vàng xen lẫn những đường kẻ trắng tôn thêm vẻ sặc sỡ của thân áo ngoài. Với bàn tay khéo léo, tài hoa, phụ nữ Pà Thẻn dệt lên những tấm váy xòe cầu kỳ và độc đáo cuốn hút sự chú ý của nhiều người. Trang phục truyền thống của đồng bào được mặc vào những dịp quan trọng như tết, lễ cưới, ngày hội văn hóa dân tộc… Đó chính là nét tinh hoa truyền thống, nét đẹp tinh tế của bộ trang phục nữ Pà Thẻn được các thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau. Cùng với trang phục, phụ nữ Pà Thẻn còn làm đẹp bằng các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền đỏ, hoa văn trên áo khiến người phụ nữ Pà Thẻn trông vô cùng duyên dáng, ấn tượng.
Với sự tỉ mỉ, dày công, những phụ nữ Pà Thẻn, luôn luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bằng đôi bàn tay khéo léo và tài hoa cùng với sự cần mẫn chăm chỉ bên khung cửi mà các bà, các chị người Pà Thẻn dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ độc đáo, không những tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình nói riêng mà còn tôn vinh được cả vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Trang TTĐN Tuyên Quang