Lý do TP.HCM xuất hiện nhiều ổ dịch siêu vi và cúm
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, hàng trăm học sinh trên địa bàn TP.HCM mắc các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Điều này làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều chùm ca bệnh hô hấp được ghi nhận tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố, khiến hàng trăm học sinh nghỉ học.
Qua quá trình thăm khám và thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên, kết quả cho thấy các trường hợp xét nghiệm dương tính với cúm A (H1N1) và siêu vi hô hấp.
Tỷ suất lây mới của cúm mùa rất thấp so với bệnh Covid-19
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết gần đây, các chùm ca cúm có xu hướng bùng phát nhiều hơn.
Theo PGS Dũng, đây là tình trạng phổ biến vì nước ta đang bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Thêm vào đó, ô nhiễm không khí gia tăng, người dân di chuyển nhiều giữa các địa phương và hoạt động giao tiếp xã hội ngày càng phong phú cũng khiến bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.
Mặt khác, sau thời gian dài cách ly do dịch Covid-19, sức đề kháng tự nhiên với cúm của người dân có phần giảm đi, từ đó, khả năng mắc cúm cao hơn.
"Vừa qua, 20 học sinh ở trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10) bị cúm A (H1N1). Mặc dù cúm mùa là bệnh lý nhiễm trùng do virus cúm gây ra, nó không gây lo ngại lớn trong cộng đồng so với cúm gia cầm, bệnh do súc vật lây sang cho người", PGS Dũng chia sẻ.
Nhìn chung, cúm có khả năng lan rộng nhưng tỷ suất lây mới của nó chỉ từ một đến 1,5, thấp hơn nhiều so với bệnh Covid-19 là 7 (chủng Delta) và 15-20 (chủng Omicron). Chính vì thế, người dân có thể kiểm soát sự lây lan của cúm bằng các biện pháp phòng chống dịch cơ bản.
Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho hay: "Việc xuất hiện chùm ca bệnh viêm hô hấp trong trường học khá phổ biến và dễ gặp. Trên thực tế, cúm A (H1N1) khá dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được".
Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin trong quá trình điều tra nguyên nhân khiến hàng trăm học sinh ở quận Bình Thạnh nghỉ học, tổ công tác ghi nhận có hiện tượng một số em nghỉ học với lý do cá nhân hoặc phụ huynh quá lo lắng. Điều này góp phần tạo ra “hiệu ứng đám đông”.
Chính vì thế, bác sĩ Khanh nhấn mạnh việc thăm khám, giải thích kỹ cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng. Nếu không giải thích kỹ, họ sẽ có xu hướng hoang mang, lo lắng và lần lượt cho trẻ nghỉ học.
Cúm mùa không đáng ngại nhưng cần thận trọng
PGS Dũng cho biết bệnh cúm mùa thường gặp ở trẻ em và giảm dần khi tuổi càng cao (ví dụ, người trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc cúm chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với trẻ em). Tuy nhiên, bệnh chỉ gây diễn biến nặng cho trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có bệnh nền (như bệnh đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...).
Bên cạnh những triệu chứng thông thường như sốt, ho, mệt mỏi..., bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm xoang hay viêm tai giữa. Trong trường hợp nguy hiểm hơn, bệnh nhân có thể mắc viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan hay tình trạng viêm toàn thân.
Cúm cũng gây nguy hiểm do nó có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền như hen suyễn, tắc nghẽn đường hô hấp hay tình trạng suy tim. Để phòng ngừa bệnh cúm mùa, PGS Dũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế, cụ thể là:
- Thực hiện 5K gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế.
- Duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động vừa phải và ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe.
- Tiêm phòng vaccine cúm nếu ở trong nhóm tuổi được chỉ định.
- Đối với trường hợp đã mắc cúm, người dân nên tự cách ly tại nhà, chỉ ngưng cách ly khi đã hết sốt (mà không cần uống thuốc hạ sốt) sau 24 giờ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-tphcm-xuat-hien-nhieu-o-dich-sieu-vi-va-cum-post1414981.html