Ma túy, cuộc chiến còn nhiều cam go. Bài 2: Nỗ lực kéo giảm tội phạm ma túy

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy nhưng tình hình này vẫn diễn biến phức tạp.

* Ma túy, cuộc chiến còn nhiều cam go. Bài 1: Tội phạm ma túy ngày càng tăng về tính chất, mức độ

 Đối tượng phạm tội ma túy ngày càng trẻ tuổi - Ảnh: T.T

Đối tượng phạm tội ma túy ngày càng trẻ tuổi - Ảnh: T.T

Khó khăn trong công tác truy bắt, xử lý

Theo Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, Đại tá Văn Tiến Cảm, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, đặc biệt là tuyến biên giới. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm ma túy vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

“Nguồn nhân lực, phương tiện, kinh phí dành cho công tác phòng, chống ma túy còn khó khăn. Sự vào cuộc, tham gia phòng, chống ma túy của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên, chưa đồng bộ. Cùng với đó, tội phạm ma túy lợi dụng điều kiện tự nhiên và những khó khăn, sơ hở của cơ quan chức năng để vận chuyển qua các đường mòn, lối mở hoặc qua đường cửa khẩu với phương thức thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, chúng dùng thủ đoạn vận chuyển, trung chuyển đa cấp, bí mật thông tin, đường dây và cắt khúc nếu bị phát hiện, bắt giữ. Các đối tượng cầm đầu không xuất hiện mà sử dụng phương tiện, thiết bị công nghệ cao để chỉ đạo, điều hành toàn bộ đường dây tội phạm... Từ đó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh”, Đại tá Văn Tiến Cảm nói.

Trao đổi với phóng viên, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Lê Thiết Hùng cho hay, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã xét xử 289/317 vụ với 414/463 bị cáo về các tội phạm ma túy với mức hình phạt: tử hình 6 bị cáo; chung thân 8 bị cáo; tù từ trên 15 - 20 năm 11 bị cáo; tù từ trên 7 - 15 năm 28 bị cáo; tù từ trên 3 - 7 năm 81 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 270 bị cáo; trục xuất 1 bị cáo; cho hưởng án treo 9 bị cáo.

Theo ông Lê Thiết Hùng, việc giải quyết các vụ án ma túy hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Càng ngày, hành vi của tội phạm về ma túy càng tinh vi, phức tạp và manh động. Các đối tượng thường cắt đứt các công đoạn giao nhận ma túy nên nhiều vụ án chỉ phát hiện đối tượng vận chuyển, tàng trữ là chủ yếu. Bên cạnh đó, đối tượng người nước ngoài phạm tội về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng tăng lên. Việc xác định lý lịch tư pháp của đối tượng bị can, bị cáo người nước ngoài gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

“Có trường hợp, bị can là người Nigieria đã mất hộ chiếu, hoặc là người quốc tịch Lào ở vùng dân tộc thiểu số. Tội phạm ma túy khi bị phát hiện cũng thường quanh co chối tội, xóa dấu vết cho nên đòi hỏi khi xử lý các vụ án cần thận trọng, chặt chẽ, tránh oan sai”, ông Hùng nói.

Đâu là giải pháp? Trao đổi về giải pháp, ông Lê Thiết Hùng cho biết, để kéo giảm tội phạm ma túy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lực lượng vững mạnh về chuyên môn nghiệp vụ và đầu tư phương tiện cần thiết cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Chú trọng công tác tuyên truyền trong cộng đồng về tác hại của ma túy và tội phạm ma túy. Tăng cường xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Song, giải pháp căn cơ, lâu dài là phải quan tâm, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho đa số người lao động tự do chưa có nghề nghiệp ổn định.

Đại tá Văn Tiến Cảm cho biết, thời gian tới, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch, chuyên đề trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy. Tăng cường công tác tuyên truyền về nhận thức, tác hại của ma túy, tình hình tội phạm ma túy, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hình sự, nhất là các chế tài đối với các tội danh về ma túy. Công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng, thường xuyên, bằng nhiều hình thức.

Trong công tác nghiệp vụ, tập trung phối hợp với các lực lượng liên quan, tăng cường công tác hợp tác quốc tế để chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh với các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, điều tra cơ bản trên các lĩnh vực, thực hiện việc tổng rà soát, thống kê các đối tượng liên quan đến ma túy.

Nắm chắc tình hình từ xa, tăng cường hợp tác quốc tế với nước bạn Lào trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy; đẩy mạnh công tác trinh sát ngoại biên; phối hợp xác lập đấu tranh chuyên án chung với Công an nước bạn Lào. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển kiểm soát, ngăn chặn không để ma túy thâm nhập qua biên giới vào nội địa. Xác lập các chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng ma túy trong nội địa.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp với VKSND, TAND trong điều tra theo tố tụng hình sự, đảm bảo tính khách quan, toàn diện, không để xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng, chống ma túy.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, Đại tá Văn Tiến Cảm đề xuất các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị cần tiếp tục có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đào tạo, bố trí nhân lực, kinh phí, phương tiện để đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và các chính sách động viên cán bộ trong lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để họ an tâm công tác, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy. Trọng tâm là nghiên cứu, biên soạn các tài liệu phòng, chống ma túy ở cơ sở, cả về tác hại của ma túy tổng hợp cũng như chế tài hình phạt của pháp luật về các tội danh tội phạm ma túy, tuyên truyền cả bằng tiếng dân tộc Vân Kiều, Pa Cô để người dân vùng biên giới nắm bắt được tác hại của ma túy đang xâm nhập địa bàn.

“Trong thời gian tới, lực lượng phòng, chống ma túy mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan đoàn thể quan tâm chỉ đạo quyết liệt, để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Tăng cường nguồn lực cho lực lượng phòng, chống ma túy cả về con người, phương thức kỹ thuật và kinh phí. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng trực tiếp phòng chống ma túy giai đoạn 2022 - 2025”, Đại tá Văn Tiến Cảm cho biết thêm.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=168975&title=ma-tuy-cuoc-chien-con-nhieu-cam-go-bai-2-no-luc-keo-giam-toi-pham-ma-tuy