Mãi không cưới vì lo trả nợ
Dù hôn nhân vẫn là ưu tiên của Gen Z ở Mỹ, nợ nần đang khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về thời điểm kết hôn.
Dù Gen Z (sinh năm 1997-2012) có nhiều thay đổi trong quan điểm sống, họ vẫn coi hôn nhân là dấu mốc quan trọng. Ít nhất đó là kết quả từ một nghiên của The Knot, nền tảng chuyên về lập kế hoạch đám cưới, về quan điểm của nhóm trẻ này ở Mỹ tới các vấn đề như kết hôn, mua nhà và lập gia đình.
Đa số đều xếp hôn nhân là ưu tiên hàng đầu, dù độ tuổi kết hôn của họ muộn hơn so với Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) và Gen X (sinh năm 1965-1980).
Tuy nhiên, nhóm Zillennials (sinh cuối những năm 1990 đến đầu 2000) đang đối mặt với nhiều rào cản tài chính hơn so với thế hệ trước khi ở cùng độ tuổi, đặc biệt là gánh nặng nợ tiêu dùng cao kỷ lục. Áp lực tài chính đã khiến nhiều người trẻ thay đổi cách nghĩ về việc tổ chức đám cưới và kết hôn.
Nhiều đôi, dù muốn xây dựng tổ ấm, vẫn quyết định trì hoãn đám cưới cho đến khi trả hết nợ. Điều này có thể mất đến vài thập kỷ đối với những ai vướng vào khoản nợ khổng lồ, theo PopSugar.
Hoãn cưới vì nợ nần
Theo khảo sát năm 2022 của Bankrate, công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng tại Mỹ, có 18% Gen Z và 15% Millennials trì hoãn kết hôn vì vấn đề tài chính. Ngược lại, chỉ 6% Gen X và 2% Baby Boomers có lý do tương tự.
Báo cáo năm 2023 của CreditKarma, công ty tài chính cá nhân đa quốc gia của Mỹ, cho thấy hơn một nửa Millennials không muốn kết hôn cho đến khi ổn định tài chính.
Cùng năm, quỹ tư nhân Lumina Foundation và Gallup, công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia của Mỹ, báo cáo rằng 13% những người đang nợ học phí đã hoãn kết hôn vì gánh nặng nợ nần.
Tuy nhiên, The Knot cũng phát hiện ra khoảng 90% các đôi Gen Z ưu tiên thảo luận về tài chính trước khi cưới. Chuyên gia về ngân sách đám cưới Lauren Kay nhận định điều này cho thấy mong muốn đạt sự thống nhất về mục tiêu tài chính trước khi lập gia đình.
Cô cho biết tiền bạc không còn là chủ đề nhạy cảm, và các cặp đôi sẵn sàng trao đổi sớm hơn về tài chính, trung thực về khoản nợ và mức độ thoải mái của họ khi đưa chúng vào cuộc sống hôn nhân.
Những cuộc trò chuyện về tiền bạc không hề dễ dàng, theo Jack Howard, người dạy lớp tâm lý học về tiền bạc Money Roots cho ngân hàng Ally (Mỹ). Khi lo lắng về tiền bạc nhưng không biết cách thay đổi, mọi người dễ bị bế tắc.
Ai đó có thể có nhiều nợ nhưng nếu không có kế hoạch xử lý, họ sẽ dễ bỏ cuộc với suy nghĩ rằng: "Mình sẽ không kết hôn, không sinh con, không mua nhà nữa vì mọi thứ quá mức chịu đựng rồi".
Tuy nhiên, Howard cho biết vẫn có cách quản lý tài chính mà không phải từ bỏ những mục tiêu lớn trong cuộc sống. "Tôi không ủng hộ việc trì hoãn cuộc sống cho đến khi trả hết nợ. Tránh né nợ nần không phải là giải pháp. Thay vào đó, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận và lập kế hoạch xử lý", cô nói.
Kết hôn có phải gánh nợ chung
Một mối lo ngại lớn khi yêu đương là khoản nợ sẽ được chuyển sang cho vợ/chồng sau khi kết hôn. Tuy nhiên, ở Mỹ, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Theo US News and World Report, nợ trước hôn nhân sẽ không được chuyển sang người phối ngẫu.
Nhưng nợ phát sinh trong thời gian hôn nhân thì lại khác: nếu sống ở bang có luật "tài sản cộng đồng", vợ/chồng có thể phải chịu trách nhiệm.
Nợ từ các tài khoản chung luôn là trách nhiệm của cả hai, dù sống ở bang nào. Dù nợ của vợ/chồng thường không ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người còn lại, khi vay vốn chung, các ngân hàng sẽ xem xét điểm tín dụng của cả hai.
Ở Việt Nam, nợ riêng trước hôn nhân cũng không chuyển sang cho người còn lại. Tuy nhiên, nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân có thể là nghĩa vụ chung, tùy thuộc vào mục đích và sự đồng thuận của cả hai.
Chuyên gia trị liệu tài chính Aja Evans khuyên nên lập thỏa thuận tiền hôn nhân để làm rõ vấn đề tài chính. Nếu lo lắng về việc phải gánh nợ của đối phương, thỏa thuận này là giải pháp hữu ích.
Evans cho hay tương tự việc lập ngân sách, thỏa thuận tiền hôn nhân thường bị mang tiếng xấu. Trong công việc, cô thường giúp các đôi hiểu rõ quy trình lập thỏa thuận và những cảm xúc kèm. Dù hay bị gắn với chuyện ly hôn và làm đối phương trông như kẻ xấu, thỏa thuận này không hẳn là điều tiêu cực hay quá nghiêm trọng.
"Nội dung có thể chỉ đơn giản là: 'Này, nếu chúng ta chia tay, mỗi người được giữ tài sản riêng. Đây là trách nhiệm tài chính của bạn, đây là tài sản chung và chúng ta sẽ chia như thế nào nếu có điều gì xảy ra với mối quan hệ của'", cô nói.
Ngoài lo lắng về nợ sau hôn nhân, nhiều người ngại cưới khi còn nợ vì chi phí đám cưới. Họ cảm thấy không đủ khả năng hoặc nghĩ rằng tiền đó nên dùng để trả nợ.
Bàn chuyện tiền nong trước khi cưới
Howard cho rằng cần hiểu rõ khoản nợ của đối phương vì chúng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính chung, như tiết kiệm mua nhà.
Trước khi kết hôn, bạn nên biết điểm tín dụng của đối phương và cách họ quản lý nợ.
Howard và Evans nhấn mạnh mỗi người có mối quan hệ khác nhau với tiền bạc và việc hiểu rõ quan điểm tài chính của bản thân rất quan trọng.
Để có kế hoạch vững chắc cho tương lai, chúng ta cần nói chuyện thẳng thắn với đối phương về quan điểm, mục tiêu về tài chính mà không phán xét.
Evans khuyến khích các cặp đôi nói chuyện thẳng thắn về lương bổng, nợ nần, tỷ lệ nợ trên thu nhập và lựa chọn lối sống mà không phải đổ lỗi hay xấu hổ.
"Chúng ta rất dễ phản ứng phòng thủ khi đề cập chuyện tiền nong. Đây là cuộc trò chuyện khó, nhưng cần thiết nếu muốn tiến xa với người yêu", Evans nói.
Nếu đã tìm thấy người bạn đời lý tưởng, mọi người đừng để những lo lắng về tài chính làm trì hoãn hạnh phúc. Các chuyên gia khuyên nên tiến tới thay vì chờ đợi đến khi tình hình tài chính ổn định. "Nếu đợi đến khi cuộc sống hoàn hảo, bạn sẽ phải chờ cả đời", Howard nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mai-khong-cuoi-vi-lo-tra-no-post1508891.html