Mai vàng ngập tràn sắc xuân quê

Những ngày này, đi về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đâu đâu cũng bắt gặp một sắc màu rực rỡ của những cây mai vàng khoe duyên đón Tết. Người dân cũng tất bật dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, đặc biệt là bàn thờ Bác Hồ để vui xuân đón Tết.

Ở các vùng nông thôn thì hầu như nhà nào cũng có trồng một hoặc nhiều cây mai vàng trước ngõ để chuẩn bị đón Tết. Mai ở đây phần lớn là loại mai vàng 5 cánh được trồng bằng hạt, không phải là loại mai ghép có nhiều cánh. Chính vì “quen nước, quen cái” từ khi bén rễ với đất mà sức sống của mai vàng rất mãnh liệt, không chịu nhiều tác động khắc nghiệt của môi trường như các loại mai ghép.

Sắc mai vàng vùng quê. Ảnh: NGỌC HẢI

Sắc mai vàng vùng quê. Ảnh: NGỌC HẢI

Với những người dân quê thì mai vàng không chỉ là một loại cây làm đẹp vào dịp Tết mà nó còn là tượng trưng cho mong ước của mỗi người về một năm mới may mắn, tốt lành, gia đình an vui, hạnh phúc. Cây mai vàng có thể nói là không thể thiếu trong mỗi gia đình, vì vậy dù cuộc sống có khó khăn thế nào thì cũng ít người chịu bán đi.

Người quý mai, mai cũng đáp lại tình người. Cả năm dài, mai phải đương đầu với cái nắng cháy da hay những cơn mưa dầm gốc rễ bị nhấn chìm trong nước. Dẫu vậy mai vẫn tràn trề sức sống để xuân đến đua nhau khoe sắc. Lòng người phơi phới niềm vui, thấy hoa mai là thấy xuân.

Hoa mai vàng đua nhau khoe sắc. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Thông thường, để mai ra hoa đồng loạt, người trồng mai thường phải lặt lá mai. Công việc này diễn ra vào ngày rằm tháng Chạp. Tuy nhiên, với những người có kinh nghiệm trồng mai lâu năm thì họ có thể xê dịch ngày lặt lá theo sự diễn biến của thời tiết cũng như độ già của lá để mai nở rộ vào đúng ngày mùng 1 Tết.

Sau ngày lặt lá, mai chỉ còn thân và nhánh đương đầu cùng nắng gió. Việc tưới nước cho mai cũng phải ngưng lại, chờ đến khi nào những nụ hoa nứt ra từ trong thân mẹ bé bằng hạt đậu xanh thì mới bắt đầu tưới nước trở lại cho mai. Với những người trồng mai để kinh doanh thì họ thường can thiệp bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật để mai ra hoa theo ý muốn, còn những người dân ở quê thì nhiều người luôn quan niệm mai ra hoa ít hay nhiều thì năm ấy sự may mắn của gia đình cũng tương đồng theo, nên họ cứ để mai ra hoa một cách tự nhiên.

Trong cái se lạnh của những ngày Tết, những nụ mai vẫn cứ trưởng thành từng ngày, những chiếc lá mới cũng bắt đầu cứng cáp chở che cho nó. Để rồi đúng ngày đầu năm mới, khắp làng quê, mai bung sắc vàng làm rộn ngày xuân. Trong ngày Tết, những cành mai đẹp nhất thường được chủ nhà cắt vào cắm trong bình hoa đặt chính giữa nhà hoặc trên bàn thờ tổ tiên để cầu mong may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình trong năm mới.

Ông Nguyễn Văn Phương, Ấp 9, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên gốc mai vàng do mình chăm sóc. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Ông Nguyễn Văn Phương, Ấp 9, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên gốc mai vàng do mình chăm sóc. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Với ông Nguyễn Văn Phương, Ấp 9, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách thì cây mai vàng đã gắn bó với ông từ bé. Ông chia sẻ: “Ba tôi là dân chơi mai có tiếng tại địa phương. Từ nhỏ, tôi đã theo ông để học cách chăm sóc và tạo dáng cho mai, rồi đam mê tự lúc nào không biết. Mỗi ngày, làm gì làm cũng phải dành thời gian cho mai. Với tôi thì mai như là một người bạn tri kỉ, một người thân không thể thiếu trong gia đình”. Hiện tại, vườn mai nhà ông có hơn 40 gốc mai, nhiều gốc hơn 30 năm tuổi, dân chơi mai khắp nơi nhiều lần trả giá hàng trăm triệu đồng nhưng ông vẫn lắc đầu. Với ông mai là vô giá.

Những ngày đầu xuân, sắc trời cũng chuyển màu nhường sắc cho mai. Mặt đất như được dát vàng sau những làn gió xuân phe phẩy. Bên cây mai vàng, những đứa trẻ được ông bà lì xì Tết, câu chúc mừng xuân cứ vang lên, rộn rã tiếng cười. Sắc vàng của mai cùng hòa quyện với sắc xanh của trời, sắc áo đủ màu của nam thanh nữ tú chơi xuân đã dệt nên một bức tranh mùa xuân nơi làng quê đa sắc, sống động.

Ông Nguyễn Văn Nhung, ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thắp hương trên bàn thờ Bác. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Ông Nguyễn Văn Nhung, ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thắp hương trên bàn thờ Bác. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Cùng với mai vàng thì việc dọn dẹp, trang hoàng lại bàn thờ tổ tiên, đặc biệt là bàn thờ Bác Hồ cũng được xem là một nét đẹp vốn có của ngày Tết nơi làng quê. Ở quê thì đa phần nhà nào cũng có một bức chân dung Bác Hồ treo chính giữa nhà, nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Chân dung Bác luôn được đặt một cách trang trọng. Ông Nguyễn Văn Nhung, ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách là người đã có hơn 40 năm sưu tầm ảnh Bác và lập bàn thờ Bác tại nhà.

Vào ngày sinh, ngày mất của Bác hay vào những dịp lễ Tết, ông đều nấu một mâm cơm cùng với hoa quả thành kính dâng lên bàn thờ Bác. Với ông, đây là việc làm thể hiện lòng kính yêu, niềm hạnh phúc, tự hào không chỉ của riêng ông mà còn là của tất cả mọi người dân Việt Nam đối với vị cha già của dân tộc.

Mai vàng nở, mùa xuân đến, gia đình đoàn viên sum họp gác lại những bộn bề của năm cũ để cùng hướng đến một năm mới may mắn, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc cùng đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm phồn vinh, thịnh vượng.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/mai-vang-ngap-tran-sac-xuan-que-70474.html