Malaysia phát triển du lịch y tế chất lượng cao, chi phí thấp

Đi sau nhiều nước láng giềng như Singapore, Thái Lan... trong lĩnh vực phát triển du lịch y tế nhưng Malaysia không hề thua kém, bởi họ có chiến lược phát triển tập trung đầu tư vào nhân lực và chất lượng dịch vụ, từ đó hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ đa dạng, chi phí thấp theo tiêu chuẩn quốc tế

 Kỹ thuật viên đang mô phỏng công nghệ điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Mahkota, Melaka. Ảnh: Thanh Sơn

Kỹ thuật viên đang mô phỏng công nghệ điều trị bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Mahkota, Melaka. Ảnh: Thanh Sơn

Thúc đẩy du lịch y tế từ mô hình hợp tác công - tư

Ở Malaysia, Hội đồng Du lịch y tế Malaysia thuộc Bộ Y tế (MHTC), là cơ quan giúp các bệnh viện thực hiện chương trình tiếp thị (marketing) trên diện rộng. Được thành lập năm 2005, bao gồm 79 thành viên, MHTC còn có trách nhiệm làm việc với chính phủ cũng như các bệnh viện tư để hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân.

Theo cách những người đứng đầu MHTC mô tả, đây là một cơ chế hợp tác công - tư và phối hợp liên ngành, giúp các bên có thể tham gia và thấu hiểu lẫn nhau. Đây được xem là mô hình hợp tác y tế công tư độc đáo trong khu vực.

Bà Sherene Azli, Giám đốc điều hành MHTC, chia sẻ rằng ngoài việc hỗ trợ visa cho khách hàng, dịch vụ chăm sóc xuyên suốt của MHTC giúp tạo điều kiện tiện ích cho mọi bệnh nhân khi đến Malaysia: họ có phòng chờ từ sân bay, được hỗ trợ thủ tục nhập cảnh và được chăm sóc trong suốt quá trình khám chữa bệnh cho đến khi về nước.

Hiện MHTC có nhiều văn phòng đại diện nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và cả Việt Nam. Dự kiến, tới năm 2020, MHTC sẽ có thêm văn phòng đại diện ở Anh, Hàn Quốc.

Thị trường MHTC hướng tới là Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2018, Malaysia đã đón 1,5 triệu du khách đến chữa bệnh trong đó 60% bệnh nhân đến từ Indonesia; khoảng 14.000 du khách Việt Nam, tăng hơn 22% so với 2017 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Tại Việt Nam, MHTC có đối tác là Medifly (www.medifly.net), chuyên cung cấp các dịch vụ trọn gói từ tư vấn lựa chọn bệnh viện và bác sĩ cho đến việc sắp xếp khách sạn, xe đưa đón tham quan, thị thực visa và hơn hết là theo dõi và hỗ trợ bệnh nhân sau khi trở về nước. Theo Medifly, những dịch vụ được nhiều du khách Việt Nam quan tâm muốn đến Malaysia điều trị là thụ tinh nhân tạo, chữa trị ung thư, tầm soát sức khỏe và điều trị tim mạch.

Chất xúc tác cho nền kinh tế Malaysia phát triển

 Quang cảnh một phòng bệnh tại Bệnh viện Subang Jaya. Ảnh: Thanh Sơn

Quang cảnh một phòng bệnh tại Bệnh viện Subang Jaya. Ảnh: Thanh Sơn

Một điều đáng chú ý là doanh thu từ lĩnh vực du lịch y tế của Malaysia chỉ bằng 1/4 so với nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm. Năm 2018, doanh thu từ du lịch y tế của các bệnh viện tư tại Malaysia khoảng 1,5 tỉ ringgit (khoảng 364 triệu đô la Mỹ), nhưng đóng góp của lĩnh vực này cho các ngành khác như khách sạn, ăn uống, nhà hàng có liên quan đến hoạt động du lịch chữa bệnh lên đến 5-6 tỉ ringgit (từ 1,2-1,45 tỉ đô la Mỹ).

Có thể nói, Malaysia xem du lịch y tế như một công cụ đặc biệt để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác của quốc gia này. Đó cũng là lý do “không có sự khác biệt về giá khám chữa bệnh giữa bệnh nhân quốc tế và bệnh nhân bản xứ”, đại diện MHTC, bà Sherene Azli nhấn mạnh.

Giá khám chữa bệnh do Bộ Y tế Malaysia điều chỉnh theo phương châm “không để người nghèo không tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng cao”. Chính phủ nước này đầu tư cho y tế tới 4,4% GDP, tương tương 55 tỉ ringgit (khoảng 13,35 tỉ đô la) chia đều cho cả bệnh viện công và tư.

Hiện tại doanh thu của du lịch y tế Malaysia năm 2018 đứng thứ 8 trong 10 nước phát triển dịch vụ này. Đứng đầu là Mỹ với 3,500 triệu đô la; thứ 2 là Hàn Quốc là 655 triệu đô la; Malaysia đứng thứ 8 với 364 triệu đô la. Tuy nhiên chi phí điều trị ở Malaysia rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Thanh Sơn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292675/malaysia-phat-trien-du-lich-y-te-chat-luong-cao-chi-phi-thap.html