Mận hồng đào một thời thương nhớ
Không biết có từ lúc nào và cũng chưa biết được tác giả của bài thơ hay câu ca cao, nhưng chắc chắn nó phải có xuất xứ từ “miệt vườn Trung Lương”. Thuở đó, người ta thường nghe câu hát bên tiếng võng đu đưa rằng:
“ Ầu ơ… Bánh canh trắng, cọng vắn cọng dài
Bánh tằm xe, cọng dài cọng vắn… Ầu ơ…
Xứ Mỹ Tho gạo trắng nước trong…ờ…
Gái Mỹ Tho tuy dang nắng
(Mà) má vẫn hồng như điểm phấn tô son… Ơ hờ…
Anh ơi! Muốn chơi hoa thì kiếm gái Sài Gòn… ờ hơ…
Còn (như) muốn tìm người vợ hiền dâu thảo… Ầu ơ…
Thì anh hãy xuống miệt vườn Trung Lương… Ầu ơ!...”.
Vào thập niên 60 - 70, dọc theo đường lên Sài Gòn, hai bên đường từ “Thành Mỹ” (cầu Đạo Ngạn) đến khỏi cầu Đôi (hay còn gọi là cầu Sắt), rồi sâu vào miệt vườn các xã Đạo Thạnh, Trung An… (TP. Mỹ Tho), nhà nhà đều trồng một loại mận có tên rất nên thơ: Hồng đào!
Đúng như cái tên, mận hồng đào có màu da hồng nhạt, trái không thon, hình quả chuông như các loại mận khác, mà hình hơi tròn, có nhiều trái bề ngang lớn hơn cả bề dài. Đặc biệt là, mình mận cứng, ăn giòn, ít nước nhưng vị ngọt đậm đà, chưa thấy một loại mận nào “qua” được. Đó là nói về “hồng đào sọc”. Với “hồng đào đá”, da hồng hơn, thân cứng hơn, là điểm ưu việt giúp cho trái mận khó bị giập trong việc thu hoạch hay di chuyển xa. Có thể ngày xưa ngã ba Trung Lương là cửa ngõ miền Tây, xe khách qua lại nườm nượp và là trạm dừng chân, nên nhiều loại trái cây, đặc biệt là mận hồng đào được bán nhiều ở đây.
“Địa chí tỉnh Tiền Giang” có ghi lại rằng: Khác với mận phổ thông trong vùng, mận của ông Bộ Nhọn có nhiều đặc điểm từ hình thức đến giá trị: Da màu hường (hoặc lợt, hoặc đậm), có trái có sọc, cơm dày, giòn, ngọt và nhiều nước; có trái gần như đặc ruột. Tùy theo trái có sọc hay không mà người ta phân biệt hồng đào trơn hay hồng đào sọc. Xứ mận Trung Lương có hàng trăm hecta mận hồng đào thuộc các xã Đạo Thạnh, Long An, Trung An (TP. Mỹ Tho), Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo)… Tất cả quy tụ tại vùng Trung Lương, xung quanh bến đò Cửu Điện, cận ấp Đạo Tâm, là nơi cây mận hồng đào đầu tiên của ông Bộ Nhọn cho giống và có thể coi là thủy tổ của hàng trăm cây mận đồng tông.
Ngày xưa, hầu hết mọi loại xe ngược xuôi qua ngã ba Trung Lương đều ghé vào và ít ai lại không nghĩ tới việc mua vài ký mận hồng đào, là đặc sản, vừa rẻ tiền, vừa ngon, vừa nổi tiếng để biếu người thân, bạn bè. Những năm đó, ngã ba Trung Lương đường sá còn chật hẹp, thế mà các xe, nhất là xe đò, tài xế phải dừng lại nơi đây theo lời yêu cầu của hành khách để mua mận hồng đào.
Ngày đó, cây mận hồng đào được trồng nhiều, cây nọ giáp lá với cây kia. Mận đỏ trên cây, mận quằn cả nhánh, mận rụng nghẹt đất, nghẹt mương. Mận hồng đào Trung Lương được mang bán khắp các tỉnh miền Đông, Sài Gòn, miền Tây Nam bộ và đã đi vào thơ ca, nhiều người có tuổi biết bài vọng cổ “Quả mận Trung Lương” của soạn giả Viễn Châu.
Không những đi vào thơ ca, mận hồng đào Trung Lương còn là đề tài sáng tác của giới nhiếp ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh đã kể về kỷ niệm với mận hồng đào như sau: “Khi mới mê chụp ảnh, cứ chiều nào nắng đẹp là tôi “cỡi” chiếc Cúp “cánh én” lang thang vào vùng Đạo Thạnh săn tìm ảnh đẹp, len lỏi vào các con đường làng rợp bóng cây mận, cam, quít, ổi, cau… Thời đó ai có cái máy ảnh đeo trên cổ là oai lắm...
Tôi nhớ mãi chiều hôm đó đang chạy xe chầm chậm trên con đường đất ở Đạo Thạnh, thì thấy một cô gái với gánh mận hồng đào đang tất tả trên đường. Nhìn dáng cô gái có bố cục ảnh hay, tôi liền dừng xe hỏi mua vài ký với điều kiện cô gái ngồi bên quang gánh cho tôi chụp vài pô, nhưng cô không đồng ý. May mà hôm đó tôi chở bạn gái đi cùng, liền nhờ cô bạn mặc thêm chiếc áo bà ba (những lúc đi săn ảnh tôi thường đem theo chiếc áo bà ba, để trong túi máy ảnh) và ngồi vào thế chỗ.
Lúc đó nắng chiều còn đẹp, tôi chụp 5 phim, sau đó rửa tặng cô bạn gái làm kỷ niệm và chọn 1 ảnh gửi dự thi, đoạt giải Khuyến khích, được một số báo, tạp chí đăng ảnh bìa. Vui nhất là, vài năm sau đó, cô gái mà tôi đã nhờ ngồi bên gánh mận hồng đào để tôi chụp ảnh đã trở thành vợ tôi. Có thể nói, mận hồng đào - loại trái cây một thời thương nhớ. Tiếc rằng, ngày nay mận hồng đào gần như tuyệt chủng…”.
Những ai có nhiều tuổi thơ bên vườn mận hồng đào hay đã từng thưởng thức hương vị trái cây đặc trưng mận hồng đào của quê hương Tiền Giang chắc hẳn sẽ là những ký ức đẹp, khó quên.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202005/man-hong-dao-mot-thoi-thuong-nho-898528/